Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh tráo xuất xứ thực phẩm: Cần được quan tâm xử lý

08:08, 22/08/2012

Vào mùa Vu Lan, nhu cầu về thực phẩm chay tăng cao so với ngày thường. Theo đó, giá nhiều loại thực phẩm chay, rau củ quả cũng rủ nhau tăng giá.

Vào mùa Vu Lan, nhu cầu về thực phẩm chay tăng cao so với ngày thường. Theo đó, giá nhiều loại thực phẩm chay, rau củ quả cũng rủ nhau tăng giá.

Hiện nay, trên thị trường, các loại rau củ, trái cây Trung Quốc được bày bán tràn lan. Tuy nhiên, không ít tiểu thương sẵn sàng đánh tráo xuất xứ sản phẩm Trung Quốc bằng mác hàng Việt, Mỹ, Úc… để bán với giá cao.

* Giá rau quả tăng

Một chủ cửa hàng chuyên bán các món chay tại Biên Hòa cho biết, hiện nhiều loại thực phẩm dùng để nấu món chay tăng giá từ 5-10 ngàn đồng/kg. Trong đó, giá các loại nấm tươi, rau củ quả tăng mạnh. Cụ thể, nấm rơm, bào ngư đều tăng khoảng 10 ngàn đồng/kg. Các loại rau củ được sử dụng nhiều trong món chay cũng nhích giá vài ngàn đồng/kg. Lý do tăng giá được các tiểu thương giải thích là do nhu cầu mua cao, khan hàng, một phần vì ảnh hưởng những đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp vừa qua. Một số tiểu thương cho biết, rau củ và các loại trái cây có khả năng “sốt” giá khi mùa chay vào cao điểm.

Hàng Trung Quốc  trà trộn vào các sạp hàng tạp hóa trong chợ. Trong ảnh: Một sạp bán hàng ở chợ Tân Phong.           Ảnh: B.Nguyên
Hàng Trung Quốc trà trộn vào các sạp hàng tạp hóa trong chợ. Trong ảnh: Một sạp bán hàng ở chợ Tân Phong. Ảnh: B.Nguyên

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Đức Trọng - Lâm Đồng, rau củ quả của Đà Lạt khá dồi dào cung cấp cho thị trường, giá cả vẫn ổn định, một số loại rau củ còn giảm nhẹ. Do thời tiết thuận lợi, các loại rau lá trồng tại địa phương của nhiều tỉnh, thành phát triển tốt cạnh tranh với rau Đà Lạt.

Ông Nguyễn Đức Đình, chủ cơ sở có gần 20 năm sản xuất và kinh doanh nấm ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom cho biết, hiện Đồng Nai chủ yếu sản xuất 4 loại nấm tươi, gồm: nấm rơm, bào ngư trắng, bào ngư xám và nấm Nhật. Giá nấm tăng là do mùa này nông dân tập trung trồng nấm mèo, sản lượng nấm tươi trên thị trường giảm mạnh.

* Trà trộn hàng Trung Quốc

Sau hàng loạt các vụ “bê bối” về thực phẩm độc hại, người tiêu dùng ngày càng e dè sử dụng hàng Trung Quốc. Nhưng thực tế, hàng Trung Quốc vẫn len lỏi khắp các ngóc ngách thị trường, từ đồ khô đến thực phẩm tươi sống. Vì muốn bán được hàng với lãi cao, không ít tiểu thương “dán nhãn” hàng Việt, Úc, Mỹ… cho rau củ, trái cây Trung Quốc.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt) chia sẻ, hiện khoai tây, dâu tây đang ồ ạt từ Trung Quốc đổ về TP. Hồ Chí Minh, được chuyển ngược lên Đà Lạt để xóa nguồn gốc hàng hóa rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Do thời điểm này đang là mùa vụ tại Trung Quốc nên các mặt hàng trên có giá rẻ hơn khoảng 50% so với hàng Đà Lạt. Người mua có thể lầm nhưng người bán luôn biết rõ sản phẩm mình đưa ra thị trường nhưng vì lợi nhuận họ sẵn sàng che mắt khách hàng.

“Rau quả Đà Lạt từ nhà vườn ra thị trường chỉ có vòng đời khoảng 3 ngày, trong điều kiện bảo quản lạnh thì cũng kéo dài thêm một đôi tuần, nếu gặp mưa, nắng rất dễ hư hao. Trong khi rau quả Trung Quốc để mấy tháng vẫn có vỏ bề ngoài tươi nguyên! Chọn bán hàng Trung Quốc, tiểu thương có thể trữ lâu mà không lo hư hao, xuống cấp, hình thức lại bắt mắt thu hút người mua” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Đình nhận xét, hiện trên thị trường các loại nấm Trung Quốc được bày bán rất nhiều, như: nấm đông cô, nấm đùi gà, nấm bạch tuyết, linh chi trắng… Trong khi các loại nấm Việt Nam thường phải bán hết trong ngày, bảo quản lạnh ở 2oC cũng chỉ kéo dài thêm được 3-5 ngày. Nấm Trung Quốc có loại để được cả 2 tháng, hình thức đẹp nên nhiều tiểu thương thích bán hơn vì luôn đảm bảo lợi nhuận, không lo ế hàng lỗ vốn như bán nấm ta.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều