Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại sứ Chu Công Phùng: "Trâu chậm sẽ uống nước đục”

08:08, 01/08/2012

Trong chuyến công tác sang Myanmar, chiều ngày 28-7 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Chu Công Phùng.

Trong chuyến công tác sang Myanmar, chiều ngày 28-7 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Chu Công Phùng.

Phó giám đốc Sở Công thương Châu Minh Nguyện (bên trái) trao quà lưu niệm cho Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng. Ảnh: X. Phú
Phó giám đốc Sở Công thương Châu Minh Nguyện (bên trái) trao quà lưu niệm cho Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng. Ảnh: X. Phú

* Phóng viên: Đại sứ có thể cho biết về sự thay đổi của Myanmar trong thời gian gần đây?

- Đại sứ Chu Công Phùng: Từ năm ngoái đến nay, Myanmar đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi có thể nói đó là sự thay đổi ngoạn mục của đất nước này. Trước hết về chính trị, Myanmar tổ chức bầu cử Quốc hội thành công và thành lập chính phủ dân sự đầu tiên vào tháng 3-2011 sau hơn 20 năm. Có thể thấy quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự đã tạo ra làn sóng mới về chính trị. Trước tiên là hòa giải sắc tộc (Myanmar có 135 sắc tộc) và đối thoại với các lực lượng vũ trang ly khai đến nay cơ bản thành công. Tháng 9-2011, Quốc hội Myanmar đã thông qua Luật Biểu tình. Quốc tế đã nhìn nhận về quá trình chuyển đổi thực hiện nền dân chủ và nhân quyền ở đất nước này. Thứ hai là làn sóng cải cách về kinh tế, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Myanmar về hội nhập quốc tế. Trước sức ép của mở cửa, Myanmar đang  tích cực sửa đổi Luật Đầu tư cũ từ năm 1998 đến nay không còn phù hợp, khả năng Quốc hội sẽ thông qua trong quý III năm nay. Mục tiêu của Chính phủ đề ra là đưa GDP từ 30 tỷ USD hiện nay tăng lên 50 tỷ USD và GDP bình quân đầu người từ 500 USD tăng lên 850 USD vào năm 2015.

* Về quan hệ giữa Việt Nam với Myanmar thì sao, thưa Đại sứ?

- Tôi có thể nói quan hệ giữa Myanmar và Việt Nam là rất tốt. Myanmar đã có quan hệ với nước ta từ năm 1948. Lãnh đạo cấp cao của Myanmar đã từng nói với tôi rằng: “Việt Nam là bạn bè thủy chung và tốt nhất của Myanmar trong khối ASEAN”. Còn về thương mại, năm 2009, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 99 triệu USD thì 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên 130 triệu USD và dự kiến cả năm sẽ đạt 200 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam cuối năm 2010 khoảng 42 triệu USD thì dự kiến cuối năm nay sẽ tăng lên khoảng 500 triệu USD.

* Đại sứ có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai?

- Sau TP.Hồ Chí Minh thì Đồng Nai có tổ chức một đoàn doanh nhân đi xúc tiến thương mại ở Myanmar là rất hay. Hiện tại, các doanh nhân trong nước sang Myanmar tìm cơ hội làm ăn ngày càng nhiều. Tuy Myanmar còn nhiều khó khăn về luật lệ, thủ tục hành chính…, nhưng nếu để mọi việc ổn định rồi mới vào làm ăn là lỡ cơ hội. Trước tình hình Myanmar đang rất thu hút giới đầu tư quốc tế, tôi có thể nói một cách hình ảnh rằng: “Trâu chậm sẽ uống nước đục”. Với Đồng Nai, một tỉnh có tiềm lực về sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng rất thích hợp với nhu cầu của Myanmar. Tuy nhiên, cần tìm đối tác ở Myanmar phù hợp với năng lực của mình để tạo ra bước đi ban đầu cho hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển làm ăn lâu dài.

* Xin cảm ơn Đại sứ!

Xuân Phú (thực hiện)

Tin xem nhiều