Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội đầu tư ở Champasak

10:08, 29/08/2012

Ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Champasak - Lào được tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 24 -8, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp (DN) đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Champasak.

 

Ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Champasak - Lào được tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 24 -8, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp (DN) đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Champasak.

Champasak là một trong những tỉnh có kinh tế phát triển hàng đầu của Lào với tài nguyên rừng phong phú, cao nguyên, đất đai màu mỡ… thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và dịch vụ.

* Ưu tiên nông nghiệp

Hiện tại, một trong những ưu tiên hàng đầu của Champasak là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại dựa trên những điều kiện tự nhiên sẵn có. Theo ông Sukpany Silypunyok, Phó giám đốc Sở Nông lâm nghiệp thì điều kiện tự nhiên của Champasak khá thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò, heo, gà, thủy sản… Champasak có khoảng 1,5 triệu hécta đất nông nghiệp, có 200km sông Mekong chảy qua địa phận tỉnh. “Sở Nông lâm nghiệp Champasak đã từng kết hợp với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam khảo sát và tìm hiểu thực tế nhằm nâng cao khả năng hợp tác giữa hai bên” - ông Sukpany nói.

Đóng gói trứng gà thành phẩm tại một trang trại nuôi gà đẻ trứng tại tỉnh Champasak. Ảnh: V.L
Đóng gói trứng gà thành phẩm tại một trang trại nuôi gà đẻ trứng tại tỉnh Champasak. Ảnh: V.L

Theo đó, Champasak có 4 vùng có thể phát triển nông nghiệp theo nhiều hướng khác nhau, bao gồm: cao nguyên Boloven (156 ngàn hécta) trồng cà phê, các loại cây ăn quả và hoa màu, đồng thời trồng các loại cây có thể bảo vệ nguồn đất, nguồn nước; vùng nối liền cao nguyên Boloven và đồng bằng (37,5 ngàn hécta) nằm trên 3 huyện có thể trồng điều, cây ăn quả, chuối, đậu nành; vùng đồng bằng sông Mekong và đảo với diện tích trồng lúa khoảng trên 120 ngàn hécta, có thể tập trung sản xuất lúa, nuôi cá và vùng cuối cùng là phía Tây sông Mekong gần biên giới Lào, Thái nằm trong 3 huyện có thể trồng điều, chăn nuôi và xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, cũng như quy hoạch, phát triển các trang trại chăn nuôi.

Cần sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của Đồng Nai

Ông Bouasone Vongsongkhone, Phó tỉnh trưởng tỉnh Champasak cho biết, Champasak có nhiều tiềm năng về đất đai, thuận tiện cho việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến. Hiện các doanh nghiệp Lào hạn chế về kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm nuôi trồng và chế biến nông sản. Trong khi đó, Đồng Nai có rất nhiều kinh nghiệm trong những lĩnh vực này. Mặt khác, Đồng Nai rất phát triển về công nghiệp, do đó, tỉnh Champasak nói riêng và CHDCND Lào nói chung rất hoan nghênh doanh nghiệp Đồng Nai đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là ở các ngành, như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, các dự án chăn nuôi bò gắn với xây dựng nhà máy chế biến sữa để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và cải thiện đời sống người dân.

Ngoài vật nuôi, cây trồng thì việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản thực phẩm hoặc sản xuất thức ăn gia súc cũng là những lĩnh vực mà các DN Đồng Nai có nhiều thế mạnh. Theo lãnh đạo tỉnh Champasak, hiện tại tỉnh chưa có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nào có quy mô đủ để đáp ứng nhu cầu, do đó 100% thức ăn chăn nuôi đều phải nhập từ Thái Lan.

Về những ưu đãi cụ thể trong thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các chính sách miễn, giảm thuế theo đúng quy định Chính phủ, phía Champasak cho biết, tùy từng ngành, nghề cụ thể sẽ có những ưu đãi riêng, tỉnh sẽ hết lòng hỗ trợ DN Đồng Nai khi tham gia đầu tư tại Champasak.

* Nhiều lĩnh vực còn “bỏ trống”

Với các thế mạnh này, DN Đồng Nai có thể quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, thủy điện, du lịch, cụm công nghiệp chế biến,… như lời giới thiệu của ông Saythong Xayyavong - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Champasak. “Một trong những thế mạnh của Champasak là giao thông thuận lợi, có thể kết nối với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia bằng đường bộ hoặc đường hàng không khá dễ dàng. Trong hai năm 2010 và 2011, GDP của tỉnh tăng trưởng trên 10%, trong đó nông nghiệp chiếm 36%, công nghiệp chiếm 30% và dịch vụ chiếm 34%” - ông Saythong cho biết.

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp ở Đồng Nai  trong chuyến xúc tiến đầu tư lần này cho rằng, dù Champasak có nhiều lợi thế về đất đai và tài nguyên khá ưu đãi, song các DN còn băn khoăn khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở Champasak còn hạn chế, sự thiếu hụt nguồn lao động do dân số ít (lao động trong độ tuổi 16 - 60 của tỉnh khoảng 370 ngàn người). Mặt khác, việc chưa có đội ngũ công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật tay nghề khá cũng là những rào cản mà các DN phải vượt qua. Ngoài ra, khi đầu tư các dự án về nông nghiệp ở đây, DN cũng sẽ phải cân nhắc cẩn thận trong bối cảnh cạnh tranh với quốc gia lân cận có nền nông nghiệp tiên tiến và phát triển là Thái Lan về nhiều lĩnh vực, như: kỹ thuật tạo giống cây trồng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát triển mô hình trang trại khép kín từ đầu vào đến đầu ra…

Về đầu tư nước ngoài (FDI), hiện đầu tư từ Việt Nam đang dẫn đầu, chiếm hơn 51% tổng vốn FDI vào Champasak. Trong đó, nông nghiệp có 21 dự án có tổng vốn là 165 triệu USD, công nghiệp có 10 dự án với 33,9 triệu USD, dịch vụ có 6 dự án với hơn 20 triệu USD. Đồng Nai có 2 dự án tại Champasak với trên 23 triệu USD và chiếm trên 10% số vốn FDI vào Champasak.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc Dofico nhận xét: “Có nhiều lĩnh vực tiềm năng của Champasak mà DN có thể nghĩ đến, chẳng hạn như: phát triển vùng nguyên liệu, hoặc xây dựng nhà máy chế biến nông sản khi đầu vào và đầu ra đã ổn. Chúng tôi mong muốn có thể thiết lập được những mối quan hệ đầu tiên trong tương lai, để về lâu dài, chúng tôi có thể tính toán đến việc đầu tư hiệu quả, chẳng hạn như sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến sữa…”.

Vi Lâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều