Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ đặc sản hết long đong?

11:08, 15/08/2012

Mới đây, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam) đã công bố chôm chôm Long Khánh là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dù vậy, nhưng đầu ra của chôm chôm Long Khánh vẫn đang chịu cảnh ba chìm, bảy nổi.

 

Mới đây, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam) đã công bố chôm chôm Long Khánh là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dù vậy, nhưng đầu ra của chôm chôm Long Khánh vẫn đang chịu cảnh ba chìm, bảy nổi.

Ưu điểm của chôm chôm Long Khánh là trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà. Nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến TX. Long Khánh với mong muốn đưa loại trái cây đặc sản này xuất ngoại, nhưng kết cục vẫn phải đợi.

* Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Với diện tích hơn 3 ngàn hécta chôm chôm, mỗi năm TX. Long Khánh cung cấp ra thị trường từ 40-50 ngàn tấn quả. Tuy là đặc sản nổi tiếng, nhưng “số phận” của trái chôm chôm Long Khánh vẫn rơi vào cảnh hẩm hiu như các loại trái cây khác. Theo đó, đầu ra của trái chôm chôm Long Khánh luôn bấp bênh, tình trạng “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” luôn tái diễn. Nhiều hộ gắn bó lâu năm với cây chôm chôm cũng ngao ngán chặt bỏ, thay thế bằng các cây trồng khác có đầu ra ổn định hơn.

Đặc sản chôm chôm Long Khánh bán tại Chợ trái cây Nam bộ (Lễ hội trái cây Nam bộ được tổ chức thường niên tại TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: K. Giới
Đặc sản chôm chôm Long Khánh bán tại Chợ trái cây Nam bộ (Lễ hội trái cây Nam bộ được tổ chức thường niên tại TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: K. Giới

Ông Sâm Dịch Phi, người trồng chôm chôm lâu năm ở xã Bảo Quang cho biết: “Trước đây, tôi trồng gần 10 hécta chôm chôm, giá bán thấp, lợi nhuận thu được không cao. Những năm chôm chôm được mùa, hàng nhiều, đầu ra rất khó khăn nên tôi đành phải chặt bỏ dần, chuyển sang trồng mít”.

Năm 2008, một doanh nghiệp của Mỹ tìm đến Long Khánh đặt hàng chôm chôm với số lượng lớn, nhưng không ký được hợp đồng. Nguyên nhân là do diện tích chôm chôm tuy nhiều, nhưng nằm rải rác ở các hộ, mỗi hộ lại sản xuất theo một quy trình khác nhau. Trong khi đó, yêu cầu của trái cây xuất khẩu là phải đồng đều về mẫu mã, chất lượng. Nhiều nơi yêu cầu làm theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và truy nguyên nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty phát triển công nghệ sinh học DONA-TECHNO (TX.Long Khánh) thì công ty đã tìm được một số thị trường để xuất khẩu sầu riêng, chôm chôm với số lượng lớn, giá cao nhưng không gom được hàng nên không dám ký hợp đồng.

* Tìm cách liên kết

Nghịch lý đang xảy ra ở TX.Long Khánh là, trong khi nông sản rất khó tìm chỗ bán thì doanh nghiệp nằm ngay trên địa bàn lại không mua được hàng để xuất khẩu. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND TX. Long Khánh Lê Văn Thư nhận xét, thời gian qua, chôm chôm Long Khánh bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu là do thiếu sự liên kết giữa các nhà vườn và doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua thị xã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thành lập Hợp tác xã trái cây Xuân Thanh và xây dựng bản đồ hướng dẫn địa lý, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để bảo vệ thương hiệu trái cây Long Khánh. “Tới đây, thị xã sẽ làm cầu nối trung gian cho nông dân gắn kết với doanh nghiệp và đề nghị Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình sản xuất chôm chôm theo hướng GAP để vận động nông dân thực hiện”  - ông Thư cho biết. Theo đó, điều này tuy không dễ thực hiện, đòi hỏi thời gian dài, nhưng TX. Long Khánh vẫn quyết tâm để có đầu ra ổn định cho trái cây, mà trước mắt là chôm chôm.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, khẳng định: “Hiện sở đã xây dựng xong các quy trình sản xuất theo hướng GAP cho các loại cây trồng. Riêng với cây chôm chôm ở TX. Long Khánh, sở đã có kế hoạch hỗ trợ các xã viên trong Hợp tác xã trái cây Xuân Thanh làm theo quy trình GAP và cấp giấy chứng nhận. Vào hợp tác xã, có giấy chứng nhận GAP là các nhà vườn có đầy đủ tư cách pháp nhân và các điều kiện khác để xuất khẩu trái cây”.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), để trái cây sản xuất được số lượng lớn, đảm bảo chất lượng thì giải pháp tốt nhất là tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hướng trang trại, kinh tế hợp tác. Đồng thời, tạo mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Được biết, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thế giới mỗi năm đều tăng, đặc biệt, các đặc sản của vùng nhiệt đới luôn có sức hấp dẫn rất lớn với người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, muốn vào được thị trường này, nhà vườn phải đảm bảo sản xuất theo quy trình GAP.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích