Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đang nhắm đến hai thị trường Trung Đông và châu Phi. Những thị trường này còn khá mới mẻ đối với nhiều DN xuất khẩu.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đang nhắm đến hai thị trường Trung Đông và châu Phi. Những thị trường này còn khá mới mẻ đối với nhiều DN xuất khẩu.
Vùng Trung Đông (Tây Á), nơi được đánh giá là ít chịu tác động do suy thoái kinh tế thế giới hơn nhờ có trữ lượng lớn dầu mỏ. Chính vì vậy, việc tiêu dùng ở những quốc gia này vẫn khá sôi động.
* Trung Đông: nơi mua hàng theo ý thích
Tại buổi hội thảo về các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông - châu Phi do Sở Công thương và Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) cho biết, hàng Việt Nam xuất khẩu vào các nước Tây Á hiện nay, gồm: hải sản, sợi, hàng dệt may, giày dép, gạo, tiêu, hạt điều, cà phê, sữa, máy vi tính, linh kiện điện tử, cao su, sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2012 đạt 1,38 tỷ USD. 15 nước Tây Á có số dân gần 300 triệu người với mức thu nhập bình quân đầu người rất cao, có các quốc gia như Quatar mức thu nhập tới 91 ngàn USD/người/năm, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE): 49 ngàn USD/người/năm, Kuwait: 65 ngàn USD/người/năm... do vậy, sức tiêu thụ hàng hóa khá tốt. Có 4 nền kinh tế lớn nhất khu vực này là: Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran và UAE.
Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Đông cũng có nhiều cơ hội. Trong ảnh: Sản xuất mộc tinh chế xuất khẩu ở Công ty chế biến gỗ Hố Nai, phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Q. Khánh |
Ông Hùng cũng chỉ ra một số thuận lợi khác như Việt Nam đã ký các Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật với 12 nước ở khu vực này. Hiện nay, Việt Nam đã có 6/15 thương vụ hoạt động tại vùng Tây Á, khá thuận lợi cho các DN muốn thâm nhập vào thị trường này. Các mặt hàng nhập khẩu của các nước Tây Á khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của các DN Việt Nam. Ngoài ra, thuế nhập khẩu ở đây khá thấp, nhất là các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC), mức thuế chỉ từ 0-5%. “Văn hóa tiêu dùng của người dân vùng Tây Á cũng khác, họ sẽ mua ngay những gì mình thích, không phải mua theo nhu cầu sử dụng. Có những sản phẩm không sử dụng đến nhưng thấy thích thì họ mua và mua rất nhiều” - ông Hùng nói.
* Châu Phi: thị trường dễ tính
Theo Bộ Công thương, năm 2011, các DN Việt Nam đã xuất khẩu vào châu Phi đạt 3,5 tỷ USD, tăng 92% so với năm 2010. Thị trường này được các nhà kinh doanh đánh giá là dễ tính, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị sản xuất. Sản phẩm nhập khẩu của các quốc gia châu Phi chủ yếu là gạo (chiếm trên 40%), hàng dệt may, da giày, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm cơ khí, đồ nhựa, đồ gỗ, xe máy, xe đạp, thực phẩm chế biến... Các quốc gia nhập khẩu lớn là: Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Côte d’Ivoire, Tanzania, Ghana, Nigeria.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng: Dự kiến, các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng vịnh sẽ đầu tư 915 tỷ USD cho các dự án xây dựng trong hai năm 2012-2013. Các dự án xây dựng ở Trung Đông là cơ hội xuất khẩu cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và các sản phẩm nội thất, đồ gỗ. Hiện nay, các quốc gia, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Ý đang là đối tác nhập khẩu quan trọng của khu vực Trung Đông trong lĩnh vực này. Ba thị trường lớn nhất ở đây là Saudi Arabia, UAE và Kuwait. |
Ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD - Bộ Xây dựng), người theo dõi xuất khẩu VLXD ở thị trường Trung Đông và châu Phi cho biết, thời gian qua nhiều quốc gia ở châu Phi có mức tăng trưởng tương đối nhanh nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nói chung và VLXD nói riêng khá mạnh. Các sản phẩm của DN Việt Nam có giá phù hợp với thị trường này nên tiêu thụ tốt. “Rất nhiều nước châu Phi có thiện cảm với Việt Nam, vì vậy khi đàm phán hợp đồng cũng có phần thuận lợi. Không ít đơn hàng của DN Việt Nam có giá cao hơn hàng Trung Quốc nhưng vẫn được thị trường này chấp nhận dễ dàng” - ông Bắc chia sẻ.
Theo các thương vụ ở thị trường Tây Á và châu Phi, khi DN muốn thâm nhập vào 2 thị trường này cũng cần nghiên cứu kỹ những tập quán, văn hóa của từng nơi. Đơn cử như làm việc ở nơi đây thường không đúng giờ như các thị trường khác, vì vậy mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ở châu Phi, hạ tầng kỹ thuật còn thấp, các phương thức thanh toán quốc tế chưa thuận tiện. Khách hàng ở châu Phi do tiềm lực kinh tế yếu nên thường đề nghị thanh toán tiền hàng chậm.
Quốc Khánh