Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách giải cứu ngành chăn nuôi

09:07, 25/07/2012

Hơn 4 tháng qua, từ hộ nuôi heo nhỏ lẻ đến chăn nuôi trang trại ở Đồng Nai đều oằn vai chịu lỗ. Nếu không có giải pháp kịp thời, ngành chăn nuôi heo trong tỉnh sẽ lao dốc.

Hơn 4 tháng qua, từ hộ nuôi heo nhỏ lẻ đến chăn nuôi trang trại ở Đồng Nai đều oằn vai chịu lỗ. Nếu không có giải pháp kịp thời, ngành chăn nuôi heo trong tỉnh sẽ lao dốc.

Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi heo quy mô tập trung lớn nhất nước với tổng đàn heo gần 1,2 triệu con. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nên kéo giá heo giảm sâu đã khiến các hộ càng chăn nuôi lớn càng chịu lỗ nhiều.

* Hàng loạt rủi ro

Khoảng 10 năm trở lại đây, chưa có năm nào giá heo hơi lại giảm dưới giá thành trong thời gian lâu như thế. Từ đầu tháng 3-2012, thông tin về chất cấm khiến giá heo đang từ 50-52 ngàn đồng/kg giảm xuống còn 38-40 ngàn đồng/kg. Sau khi thông tin về chất cấm được đính chính, giá heo chưa kịp hồi phục thì dịch heo tai xanh ập đến, dìm giá heo xuống dưới giá thành từ 5-7 ngàn đồng/kg heo hơi.

Chăn nuôi heo ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: V. Nam
Chăn nuôi heo ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: V. Nam

Bà Nguyễn Thị Sao, chủ trang trại heo ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Mỗi tháng, trang trại tôi xuất khoảng 50 con heo thịt. Hơn 4 tháng nay, giá heo chỉ dao động khoảng 36-38 ngàn đồng/kg, dù đã chủ động con giống, tự trộn thức ăn, nhưng tôi vẫn lỗ hơn 20 triệu đồng/tháng. Nếu giá heo hơi tiếp tục không tăng trong thời gian nữa, chắc tôi phải giảm đàn để bớt lỗ”.

Ngoài giá giảm thì dịch bệnh luôn rình rập đàn heo khiến người chăn nuôi gánh chịu đủ loại rủi ro. Ông Nguyễn Kim Đoán, chủ trang trại heo ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), than: “Nuôi heo hiện nay chẳng khác gì đánh bạc! Bây giờ trang trại của tôi và nhiều trang trại khác đang cố gắng cầm cự, hy vọng tới những tháng cuối năm nhu cầu dùng thịt tăng, giá heo hơi sẽ được cải thiện. Nhưng nếu cuối năm, Nhà nước cho nhập khẩu thịt khiến giá heo trong nước không tăng thì không ít người chăn nuôi sẽ mất cả nhà, đất vì cầm cố để vay vốn duy trì đàn heo”.

* Đi tìm giải pháp

Ngày 24-7, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã mời các công ty chăn nuôi, chủ trang trại trong và ngoài tỉnh cùng các nhà khoa học, đại diện các sở, ngành tham gia tọa đàm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Mục đích để tìm ra các giải pháp giúp người chăn nuôi heo của tỉnh vượt qua các rủi ro.

Ông Nguyễn Chiến Tường, Giám đốc Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai, nói:  “Công ty tôi có tổng đàn heo khoảng 20 ngàn con, trong bối cảnh dịch bệnh luôn đe dọa, giá bán thấp, chỉ mong Nhà nước sẽ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành, đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật cho thịt nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước”.

PGS. TS. Lã Văn Kính, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đưa ra giải pháp, để cứu ngành chăn nuôi trước hàng loạt khó khăn như hiện nay, đòi hỏi các sở, ngành phối hợp giúp người chăn nuôi kiến thức ngăn chặn dịch từ xa, nâng cao năng suất từ đàn heo nái để góp phần hạ giá thành. Thực tế, dịch heo tai xanh trong những năm qua thường xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăm sóc đàn heo chưa tốt và không tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc. Năm nay, dịch heo tai xanh đa số bùng phát ở các ổ dịch cũ của các năm trước.

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom), cho hay: “Giá heo hơi hiện nay đang giảm sâu là do dịch tai xanh. Dịch chủ yếu xuất hiện ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Thời gian tới Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nên tăng cường hướng dẫn bà con quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và biện pháp phòng trị các bệnh”.

Theo một số chủ trang trại khác thì thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành của thịt heo, trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu nhập khẩu nên khó hạ giá thành. Muốn có nguồn nguyên liệu rẻ, Nhà nước hình thành các vùng nguyên liệu lớn ngay trong nước chủ động trong sản xuất. Ngoài ra, chính sách bình ổn giá nên đưa trực tiếp về cho người chăn nuôi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho rằng, muốn chăn nuôi trong tỉnh phát triển bền vững, người chăn nuôi phải liên kết lại với nhau. Các trang trại lớn phải liên kết từ khâu giống, nuôi heo thịt, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ và tạo vùng nguyên liệu ngay trên địa bàn tỉnh để giảm chi phí.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều