Là một nông dân nghèo ở Bến Tre, anh Trần Văn Đại rời quê hương lên tỉnh Bình Dương sống bằng nghề phụ vườn trồng cam. Sau nhiều năm phụ vườn, anh đã tích lũy được một số kinh nghiệm và quyết định đi lập nghiệp ở Đồng Nai.
Là một nông dân nghèo ở Bến Tre, anh Trần Văn Đại rời quê hương lên tỉnh Bình Dương sống bằng nghề phụ vườn trồng cam. Sau nhiều năm phụ vườn, anh đã tích lũy được một số kinh nghiệm và quyết định đi lập nghiệp ở Đồng Nai.
Vườn cam sành của anh Trần Văn Đại ở Vĩnh Cửu. |
Với vốn kinh nghiệm có được từ những năm tháng đi phụ vườn cam ở Bình Dương cộng với việc được tham gia các lớp tập huấn về trồng cam sành, năm 2009 vợ chồng anh Đại với hai bàn tay trắng đã sang ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu để lập nghiệp. Tại đây, khó khăn lắm vợ chồng anh mới vay mượn được 500 triệu đồng từ bạn bè, bà con và ngân hàng để mua một mảnh đất, làm căn nhà tạm và quy hoạch vườn cam 1,2 hécta.
Trên mảnh vườn đó, anh đã trồng 1.500 cây cam sành. Anh không quản ngại khó khăn, nhọc nhằn và luôn dốc hết sức mình để chăm sóc cho vườn cam phát triển tươi tốt. Trong mùa cho trái đầu tiên, do cây nhỏ, tán lá thưa kèm theo nắng nóng nên vườn cam nhà anh trái đã bị rám nắng gần như hết cả vườn. Không bỏ cuộc, vợ chồng anh đã cùng nhau đi trám vôi cho hàng ngàn trái cam trong vườn. Sau một thời gian dài chăm sóc, toàn bộ vườn cam nhà anh đã hết nám và cây trái phát triển tươi tốt.
Chỉ hơn 2 năm sau, với lứa cam thu hoạch đầu tiên anh đã thu về 700 triệu đồng. Trả được số vốn vay ban đầu, vợ chồng anh còn dư 200 triệu đồng và tiếp tục dùng số vốn đó đầu tư thêm cho vườn cam. Anh Đại cho biết đầu tháng 8 tới đây, anh sẽ thu hoạch lứa thứ hai, ước tính khoảng 40 tấn trái, theo giá thị trường dự kiến thu được khoảng 600-700 triệu đồng.
Không chỉ tính cách làm ăn cho riêng mình, anh Đạt còn truyền kinh nghiệm cho bà con lân cận để họ làm theo. Hiện nay, đã có 10 hộ ở ấp 4, xã Hiếu Liêm thực hiện theo mô hình trồng cam của anh Đạt và có vườn đang cho mùa trái đầu tiên, hứa hẹn bội thu.
Lê Thủy