Thương hiệu vàng miếng SJC đã chính thức là thương hiệu vàng độc quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không được gia công vàng miếng nếu không được NHNN cho phép. Hiện NHNN vẫn đang hoàn tất khâu cuối cùng của Dự thảo quy định quy trình tổ chức, sản xuất và gia công vàng miếng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ban hành ngày 2/4/2012.
Thương hiệu vàng miếng SJC đã chính thức là thương hiệu vàng độc quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không được gia công vàng miếng nếu không được NHNN cho phép. Hiện NHNN vẫn đang hoàn tất khâu cuối cùng của Dự thảo quy định quy trình tổ chức, sản xuất và gia công vàng miếng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ban hành ngày 2/4/2012.
Người giữ vàng bị ép giá
Theo dự thảo, phương thức sản xuất vàng miếng sẽ được NHNN triển khai thông qua ký kết hợp đồng gia công với Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
NHNN sẽ quyết định khối lượng, thời điểm và nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất. SJC gia công vàng miếng theo yêu cầu và chịu sự giám sát của Tổ giám sát sản xuất vàng miếng thuộc NHNN. Cũng theo dự thảo, nguyên liệu sản xuất vàng miếng sẽ được lấy từ nguồn dự trữ ngoại hối NHNN và vàng miếng của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cho phép sản xuất trong từng thời kỳ. Loại vàng được NHNN đưa vào sản xuất là vàng miếng phải đảm bảo tiêu chuẩn có hàm lượng 999,9 của SJC. Riêng những loại không đạt chuẩn như không đủ trọng lượng, bị cắt dũa, mài mòn, cong vênh, bị trầy xước, bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của SJC,... vẫn được xem là nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên phải có nguồn gốc rõ ràng, chứng từ hợp lệ.
Vàng miếng được bán tại Công ty Kinh doanh vàng bạc đá quý - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (AJC). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thị trường vàng đang có xáo trộn khi người dân đua nhau đi bán vàng phi SJC. Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất vàng miếng thương hiệu AAA, PNJ, SBJ, Bảo Tín Minh Châu đang phải đối mặt với lượng vàng ứ đọng do nhiều người bán vàng thương hiệu này để đổi sang vàng thương hiệu của Nhà nước. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng bán vàng và các công ty trên buộc phải giảm sức mua, hoặc ép giá mua lại. Do đó, những người giữ vàng bị cong, vênh, rách bao nhựa chịu thiệt thòi nhất.
Nhân viên bán hàng tại tiệm vàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, nếu vàng SJC bị rách bao hoặc cong vênh sẽ bị mua thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với giá thị trường. Riêng các vàng miếng thương hiệu khác, sẽ bị mua thấp hơn từ 1 triệu đến gần 2 triệu đồng/lượng. Trước việc bị ép giá như vậy, thị trường vàng cũng trở nên trầm lắng và ảm đạm.
Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Công Tường, phụ trách kinh doanh của Công ty SJC cũng cho biết: “Hơn 1 tháng trôi qua, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, thị trường vàng vật chất ế ẩm chưa từng có. Ngay cả SJC, đơn vị chiếm đến 90% thị phần vàng miếng cũng không nằm ngoài tình trạng này”.
Từ ngày 25/5 đến nay công ty không thể đổi miếng vàng mới cho khách hàng như chính sách trước đây vì không sản xuất hàng mới. Hiện công ty chỉ mua lại miếng vàng móp méo, nhưng số lượng giới hạn vì phải chờ Thông tư hướng dẫn của NHNN về việc cho phép dập lại số vàng này. Cũng theo ông Tường, đến thời điểm này công ty đã mua khoảng hơn 1.000 lượng vàng móp méo nhằm tránh cho người dân thiệt hại khi bị các cửa hàng, đại lý ép giá. Tuy nhiên, do số vốn có hạn nên trong trường hợp lượng vàng miếng móp méo trên thị trường quá nhiều, công ty sẽ hạn chế hoặc ngưng mua.
Doanh nghiệp vàng tìm lối đi
Theo số liệu thống kê từ nhà sản xuất vàng miếng SJC và một số doanh nghiệp sản xuất vàng miếng khác từng được cấp phép, thị trường Việt Nam lưu hành khoảng hơn 22 triệu miếng vàng (quy đổi theo loại 1 lượng), trong đó vàng SJC chiếm hơn 20 triệu lượng, còn lại gồm bảy thương hiệu vàng miếng khác (AAA hay AJC, PNJ, ACB, SBJ, NJC - thần tài Phương Nam và BTMC - Bảo Tín Minh Châu). Nếu 2 triệu lượng khác hiệu SJC bị ép giá, có giá thấp hơn 2 triệu đồng/lượng, tính ra người giữ vàng có thể chịu thiệt 4.000 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ cho biết: “Từ đầu năm đến nay nhiều người dân đang giữ vàng PNJ có nhu cầu đổi sang vàng SJC, công ty có chính sách thu đổi theo giá mua vào vàng PNJ, bán ra SJC, tạo an tâm cho khách hàng”. Nhưng do bị đọng vốn khá lớn vào lượng vàng miếng PNJ nên công ty cũng đang hạn chế mua vào. Dây chuyền máy móc dập vàng miếng, đã niêm phong từ tháng 10/2011, vẫn chưa khai thác được vào sản xuất trang sức do tính chất đặc thù của thiết bị. Bà Võ Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty SBJ cũng cho biết, SBJ đang tìm mối bán dây chuyền sản xuất vàng miếng, vì không biết dùng vào việc gì. |
Mặc dù được chọn là thương hiệu độc quyền, nhưng đại diện SJC cho biết đã dọn đường sẵn cho việc chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang, coi đây là khâu kinh doanh then chốt và “lối thoát” duy nhất cho công ty này sau “thời vàng son” của vàng miếng. Động thái chuyển hướng này đã được SJC chuẩn bị những năm trước, bởi ngoài kinh doanh, mua bán vàng miếng, thì nay trên hầu hết các tỉnh, thành có chi nhánh SJC đều cho triển khai bán vàng nữ trang 24k, 18k và 10k. SJC cũng đang tìm hướng xuất ngoại cho các sản phẩm của mình tại Thái Lan, Campuchia… và một số nước trong khu vực. Nhưng theo SJC, thị trường mới không phải dễ dàng chinh phục.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường vàng miếng đã “hết thời”. Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng Vina nhận định: “Vàng miếng thương hiệu quốc gia do NHNN sản xuất sẽ được quản lý chặt như việc in tiền và việc lưu thông vàng trên thị trường sẽ được coi như lưu thông ngoại tệ. Thế nên, cất trữ thì được nhưng không phải ai cũng được mua, được bán. Tôi cho rằng, sau một thời gian, bước tiếp theo NHNN sẽ cho ra “chứng chỉ vàng”. Lúc đó, người dân khi mua vàng miếng sẽ không được cầm vàng thật như hiện nay mà sẽ cầm vàng chứng chỉ (một cái giấy chứng nhận sở hữu vàng). Với thói quen thích sở hữu vàng thật, cầm vàng thật, người dân Việt Nam sẽ không còn thích đầu tư vàng miếng nữa. Và các thương hiệu vàng miếng sẽ rơi vào quên lãng”.
Theo BaoTintuc