Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Phú chủ động phòng chống lụt bão

02:07, 08/07/2012

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm nay tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng xảy ra lũ lụt lớn ở một số địa phương. Trước tình hình đó, huyện Tân Phú đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều phương án để phòng chống lụt bão (PCLB) ngay từ đầu mùa mưa.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm nay tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng xảy ra lũ lụt lớn ở một số địa phương. Trước tình hình đó, huyện Tân Phú đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều phương án để phòng chống lụt bão (PCLB) ngay từ đầu mùa mưa.

Mặc dù mấy năm gần đây, trên địa bàn huyện Tân Phú không xảy ra lũ lụt lớn nhưng công tác PCLB luôn được chính quyền và người dân địa phương quan tâm thường xuyên.

* Nhiều phương án chống lũ

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân, ngay từ tháng 5, UBND huyện đã tiến hành tổ chức tổng kết công tác PCLB năm 2011, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch PCLB cho năm 2012.

Kiểm tra áo phao chuẩn bị đối phó với lũ ở Đắk Lua.                                          Ảnh: B.LợI
Kiểm tra áo phao chuẩn bị đối phó với lũ ở Đắk Lua. Ảnh: B.LợI

Xã Đắk Lua, nơi được xem là “rốn lũ” của huyện Tân Phú, thường xuyên chịu ảnh hưởng của xả đập Đa Nhim và nước từ vùng thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về mỗi khi có mưa lớn nên hàng năm thường bị lũ lụt. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo PCLB của xã đã chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng đối phó khi cần thiết. Bên cạnh số phương tiện, như: ghe, xuồng, áo phao được trang bị để cứu nạn và di dời dân, địa phương đã vận động nhiều hộ có xe cải tiến, máy xới tham gia vào lực lượng cứu hộ.

Thông thường hàng năm khi có lũ xuất hiện, ở  Đắk Lua có 4/12 ấp với gần 100 hộ dân bị ngập chìm trong nước. Vì vậy, các phương án di dời số hộ này lên vùng cao an toàn là việc làm cấp bách đã được Ban chỉ đạo PCLB của xã tính đến.

Ông Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết:  “Hiện nay, địa phương đã có những kế hoạch, phương án và lịch phân công chuẩn bị sẵn sàng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.  Trên địa bàn Đắk Lua có 4 ấp có khả năng ngập sâu, là: ấp 4, ấp 6, ấp 2 và ấp 11. Xã đã có phương án cụ thể để di dời dân đến nơi an toàn. Lực lượng công an, xã đội được phân công tập trung làm công tác cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ tài sản của dân. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư cho xã một nhà bạt lớn để dự phòng nếu nhà ở không đủ”.

* Sẵn sàng ứng phó

Do thường xuyên phải đối phó với lũ nên trong những vùng thường bị nước lũ ngập nặng, bà con đã chuyển đổi cây trồng và thay đổi lịch thời vụ để né lũ. Hiện nay, các vùng trũng ở các xã, như: Đắk Lua, Nam Cát Tiên, Phú Thanh… nông dân đã thu hoạch bắp và chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, các gia đình đều đã dự trữ lương thực, thực phẩm và xuồng ghe để sẵn sàng ứng phó khi có lũ lớn.

Huyện Tân Phú cũng đã có kế hoạch cụ thể về các công tác đảm bảo an ninh, thông tin liên lạc, an toàn giao thông và khử trùng dịch bệnh sau lũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết: “Tân Phú luôn coi công tác PCLB là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, UBND huyện đã quán triệt, chỉ đạo các xã và các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, lên các phương án cụ thể để chủ động ứng phó khi có lũ lụt xảy ra. Trong đó, chú ý nhất là 4 xã thuộc ven sông Đồng Nai, là:  Nam Cát Tiên, Đắk Lua, Núi Tượng và Tà Lài; cùng 3 xã dọc theo sông La Ngà, là: Phú Bình, Phú Thanh và Phú Điền. Trên địa bàn huyện Tân Phú có khoảng 14 xã với 34 điểm xung yếu có thể xảy ra ngập lụt và gây thiệt hại lớn. Do đó, huyện đã rà soát, dự đoán tình hình và có kế hoạch cụ thể để di dời dân khi có lũ lụt. Huyện đã xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn với hơn 2.500 người, trong đó 2.300 người ở các xã. Tất cả lực lượng này luôn trong tư thế sẵn sàng để ứng phó khi có lụt bão xảy ra”.

Bá Lợi

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều