Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn

10:07, 16/07/2012

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đang trong giai đoạn rất khó khăn. Nguyên liệu sản xuất TACN, đặc biệt là giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng cao, những chi phí đầu vào khác cũng nhích lên trong khi khó điều chỉnh giá đầu ra vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đang trong giai đoạn rất khó khăn. Nguyên liệu sản xuất TACN, đặc biệt là giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng cao, những chi phí đầu vào khác cũng nhích lên trong khi khó điều chỉnh giá đầu ra vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh.

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, nhận xét, sản lượng TACN giảm nghiêm trọng với mức giảm từ 30-50% trong thời gian qua.

* Thị trường ế ẩm

Theo ông Bình, tình hình tiêu thụ thực phẩm gia súc, gia cầm trong nước rất kém, thế nhưng một thực tế nghịch lý là nước ta vẫn nhập khẩu các mặt hàng thịt. Người chăn nuôi điêu đứng, buộc phải bỏ hoặc thu hẹp sản xuất gây hệ lụy không nhỏ cho ngành TACN. Doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN đang chịu khó khăn kép vì thị trường ế ẩm, sản phẩm bán ra không được giá trong khi chi phí sản xuất, nhất là giá nguyên liệu nhập khẩu lại tăng mạnh. Cụ thể, các nguyên liệu đạm, như: khô dầu đậu nành, bột cá... tăng khoảng 40% so với đầu năm nay.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khó khăn vì thị trường thu hẹp. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn gia súc tại Công ty TNHH Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: H.GIANG
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khó khăn vì thị trường thu hẹp. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn gia súc tại Công ty TNHH Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: H.GIANG

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH VaCo (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian trước công ty sản xuất trung bình mỗi tháng khoảng 500 tấn TACN, nhưng hiện nay giảm xuống chỉ còn 100 tấn. DN vừa và nhỏ trong ngành sản xuất TACN càng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, vì đối tượng khách hàng chính của họ là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện đang ngừng chăn nuôi hàng loạt. Rất nhiều khó khăn khác, như: thiếu vốn trong khi lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng… khiến DN nhỏ và vừa ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh với các “ông lớn” do nước ngoài đầu tư. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đang có xu hướng tự sản xuất TACN cũng góp phần giảm bớt thị phần tiêu thụ mặt hàng này. Không ít DN nhỏ và vừa phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà tại huyện Xuân Lộc chia sẻ, giai đoạn đầu ông chỉ sử dụng TACN bán  ngoài thị trường. Nhưng khi mở rộng quy mô chuồng trại, ông đã đầu tư máy móc tự sản xuất TACN. Hiện trung bình mỗi tháng trang trại ông sản xuất từ 150-200 tấn TACN. Với việc tự túc TACN, trang trại giảm được khoảng 10% chi phí so với mua TACN chế biến sẵn.

* Bài toán lợi nhuận

Theo Thông tư 66 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012, tất cả các lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra chất lượng. Tuy đây là biện pháp cần thiết để kiểm soát chất lượng nguồn hàng nhập khẩu, nhưng các DN sản xuất TACN sẽ gặp khó khăn ở nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới. Với khó khăn trên và với việc liên tục tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu, nhiều DN sản xuất TACN ngày càng quan tâm đến nguồn nguyên liệu nội địa.

Ông Phạm Đức Bình phân tích: “Hiện nhiều người chăn nuôi bỏ nghề vì lỗ nặng, nhưng theo tôi, nếu biết cân đối thì người chăn nuôi vẫn có thể tồn tại chờ qua giai đoạn khó khăn này”. Chăn nuôi vốn là nghề lấy công làm lời nhưng không ít người lại chỉ chuộng nguyên liệu là hàng ngoại giá cao. Nông sản trong nước không thiếu nhưng thời gian chờ mua lâu, e ngại chất lượng không đồng đều nên nhiều DN sản xuất thường chọn giải pháp nhập khẩu từ nước ngoài.  

“Hiện DN sản xuất TACN nên xem lại bài toán về lợi nhuận. Vấn đề DN cần quan tâm lúc này là thị phần, khấu hao để giữ việc làm cho công nhân chứ không chỉ là lợi nhuận trên doanh thu. DN cần tăng sức cạnh tranh trên thị trường qua việc tính toán lại bài toán sản xuất để có giá thành tốt nhất. Trong đó, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước là một trong những giải pháp cần quan tâm” - ông Bình nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Anh, hiện phần lớn thị phần TACN vẫn nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN sản xuất TACN trong nước rất cần sự tiếp sức từ phía Nhà nước bằng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực, cụ thể; tạo điều kiện để DN sản xuất phát triển, đưa sản phẩm TACN thương hiệu Việt ra thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều