Hàng trăm mặt hàng nhãn riêng đang được các hệ thống siêu thị lớn đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Về lợi ích, người tiêu dùng có thêm lựa chọn với giá thấp hơn, song xét ở khía cạnh doanh nghiệp (DN), vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc khi quyết định gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị.
Hàng trăm mặt hàng nhãn riêng đang được các hệ thống siêu thị lớn đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Về lợi ích, người tiêu dùng có thêm lựa chọn với giá thấp hơn, song xét ở khía cạnh doanh nghiệp (DN), vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc khi quyết định gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị.
Nắm trong tay thị phần tiêu thụ khá lớn trong kênh mua sắm hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn, như: BigC, Co.opMart, Vinatex hay Metro đã và đang cho ra mắt hàng trăm mặt hàng nhãn riêng với ưu thế mạnh nhất là giá cạnh tranh.
* Rộ nhãn hàng riêng
Hiện tại, lượng hàng nhãn hiệu riêng của mỗi hệ thống siêu thị đã lên đến con số hàng trăm. Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co.opMart Biên Hòa, cho biết hiện Co.op đã có trên 100 mặt hàng được sản xuất dưới các nhãn hiệu riêng của hệ thống Co.opMart, trải đều ở các ngành hàng, như: thực phẩm chế biến, hóa phẩm, may mặc… Hiện tại, doanh số hàng nhãn riêng tại Co.opMart mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh thu, song sắp tới Co.opMart sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng nhãn riêng sang nhiều ngành hàng khác.
Hàng may mặc Wow giá rẻ của BigC. (Ảnh do BigC cung cấp). |
Tại hệ thống BigC, hiện số lượng hàng nhãn riêng của hệ thống đã lên đến trên 600 mặt hàng và doanh số đạt cao. Trong đó, nhãn hàng “chiến lược” có tên Wow của BigC hiện đang dẫn đầu doanh thu trong một số ngành hàng hiện có. Đơn vị này cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm phong phú thêm các mặt hàng nhãn riêng trong thời gian tới.
Tương tự, ông Lâm Quang Hưng, Giám đốc siêu thị Vinatex Biên Hòa 2, khẳng định với ngành may mặc, hàng nhãn riêng chiếm một vị trí khá quan trọng trong cơ cấu hàng hóa của Vinatex Mart. Theo đó, Vinatex hiện tại vừa có xưởng sản xuất riêng, vừa đặt hàng ở các DN thành viên trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam nên lượng hàng nhãn riêng đang trải đều khắp các phân khúc: thời trang trẻ, trung niên, trẻ em, phụ kiện thời trang…
Hệ thống Metro hiện cũng có trên 700 mặt hàng nhãn riêng, không chỉ bán lẻ mà còn cung cấp cho các khách hàng mua sỉ với số lượng lớn, hoặc đáp ứng các nhu cầu hàng hóa “trọn gói”, như: nội thất văn phòng, đồ dùng trong các nhà hàng, khách sạn…
* Lợi và bất lợi
Vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc DN có nên nhận gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị hay không trước nguy cơ đến một lúc nào đó thương hiệu mới manh nha sẽ bị “nuốt chửng” khi đối thủ cạnh tranh hàng hóa của mình lại chính là… mình!
Giám đốc một DN chuyên sản xuất thực phẩm tươi sống và chế biến có nhà máy tại Trảng Bom cho rằng, bài toán gia công hàng nhãn riêng là bài toán mà DN cần cân nhắc kỹ. Theo đó, lợi ích khi nhận gia công hàng nhãn riêng cho các siêu thị thể hiện ở chỗ có thể giúp DN sử dụng hết công suất của nhà máy, đặc biệt trong bối cảnh hàng tồn kho tăng, nhiều DN phải giảm công suất. Thêm vào đó, lợi nhuận DN phần nào được đảm bảo thông qua các đơn đặt hàng của siêu thị.
Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, nhiều DN nhận xét việc nhận gia công hàng nhãn riêng cho các siêu thị nếu không tính kỹ có thể dẫn đến “lợi bất cập hại”. Thứ nhất, DN không được chủ động về giá bởi giá gia công chủ yếu do phía siêu thị quyết định. Thứ hai, cùng chi phí sản xuất và chất lượng như nhau, song gia công hàng hóa cho siêu thị lãi ít hơn, bởi hàng nhãn riêng đến tay người tiêu dùng hầu hết đều rẻ hơn ít nhất 10% so với hàng hóa cùng loại của nhà sản xuất. Cuối cùng, nếu không chú trọng phát triển dòng hàng và thương hiệu riêng, chỉ “sa đà” vào gia công, DN có thể đánh mất chính tên tuổi của mình.
Trong khi đó, đại diện BigC cho rằng, việc phát triển hàng nhãn riêng không “đe dọa” đến DN bởi quan điểm của BigC là khi lựa chọn mặt hàng nào để phát triển nhãn riêng, sẽ cân nhắc để mặt hàng đó không trở thành “đối trọng” của nhà cung cấp đã nhận gia công. Mặt khác, hàng nhãn riêng chủ yếu đánh vào phân khúc bình dân, người lao động - đối tượng chưa thực sự đủ điều kiện để trả tiền thêm cho thương hiệu hàng hóa - do đó DN vẫn có thể có chiến lược phát triển bình thường.
Vi Lâm