Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc xuất khẩu trong nước gặp khó khăn về đơn hàng sản xuất, thì các DN may ở Đồng Nai vẫn phát triển khá ổn định. Những đơn hàng xuất khẩu mùa đông đang dần khép lại và DN bắt đầu đón nhận hàng mùa xuân để sản xuất. Đây là điều đáng mừng trong tình hình kinh tế hiện nay.
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc xuất khẩu trong nước gặp khó khăn về đơn hàng sản xuất, thì các DN may ở Đồng Nai vẫn phát triển khá ổn định. Những đơn hàng xuất khẩu mùa đông đang dần khép lại và DN bắt đầu đón nhận hàng mùa xuân để sản xuất. Đây là điều đáng mừng trong tình hình kinh tế hiện nay.
Một góc xưởng may của Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec). Ảnh: V.N |
Anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec), cho biết: 6 tháng đầu năm nay tình hình sản xuất của công ty đạt khá tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt 220 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2011. Hợp đồng sản xuất hàng mùa đông của công ty đến hết tháng 9 tới. Cuối tháng 7 này, công ty xác nhận hợp đồng các đơn hàng sản xuất cho mùa xuân. Năm nay, dù kinh tế trong và ngoài nước còn khá khó khăn, nhưng các hợp đồng hàng của Dovitec lại có giá tốt hơn năm 2011.
Anh Hoàng cho hay, dù thị trường còn khó khăn nhưng các DN may lớn vẫn có cơ hội nhiều hơn so với DN nhỏ. Khách hàng của Dovitec tương đối ổn định nên lượng hàng đặt khá đều. Hợp đồng sản xuất hàng của Dovitec năm nay có liên tục 9 tháng đầu năm không bị gián đoạn như các năm trước, đây cũng là điều thuận lợi cho DN. Ngoài ra, công ty này còn mở được thêm thị trường Nga nên đã tăng thêm hàng sản xuất. Sở dĩ Dovitec có được thuận lợi cả về lượng hợp đồng lẫn giá là do ngay từ đầu năm, DN đã đón được một số khách hàng Nhật Bản rời bỏ thị trường Trung Quốc.
Cùng với quan điểm là khó khăn của ngành may mặc đang rơi vào DN nhỏ, ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex), chia sẻ: “May mặc xuất khẩu có tính mùa vụ rất cao. Vì vậy, đòi hỏi DN phải có năng lực thực sự để đảm bảo tiến độ giao hàng, chất lượng hàng cũng như giá cạnh tranh. Những lúc khó khăn như hiện nay càng thấy rõ điều này”.
Trong khi nhiều DN may xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác phải giảm sản xuất do không có hợp đồng thì Donagamex vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhà xưởng. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của tổng công ty đạt 23 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011. Không chỉ ổn định hàng cho mùa đông, mà các đơn hàng mùa xuân đến nay công ty cũng đã có. 70% lượng hàng sản xuất đã được ký hết năm, còn lại 30% được ký đến hết tháng 10 tới. Đầu năm nay, Donagamex mở được thêm thị trường mới xuất khẩu sang Hàn Quốc đã giúp DN tăng thêm kim ngạch. Ông Kích cũng cho biết thêm, Donagamex mạnh dạn đầu tư thêm nhà xưởng trong năm nay nhằm mở rộng xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ. Hiện tại, thị trường này đang chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của tổng công ty. Tuy Mỹ còn khó khăn nhưng xuất khẩu hàng của Donagamex vào đây hàng năm vẫn tăng.
Một điều mà ông Kích cũng đang kỳ vọng nhiều là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết. Khi đó, việc xuất khẩu hàng vào Mỹ sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Quả thực, nếu cuối năm nay TTP được ký kết và năm 2013 kinh tế Mỹ bớt khó khăn thì cơ hội cho DN may mặc xuất khẩu vào thị trường này là rất lớn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng xác nhận đến hết tháng 6, đơn hàng chung của toàn ngành giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2011. Mức giảm của các DN lớn khoảng 5%, riêng những DN nhỏ và vừa giảm tới trên 20%, có rất ít DN giữ được mức tăng trưởng.
Vân Nam