Khoảng 3 năm lại đây, cứ vào mùa vụ, nhiều nông dân có diện tích sản xuất lớn thường rơi vào tình trạng thiếu lao động. Trong cái khó, nhiều nông dân đã tìm ra giải pháp để khắc phục.
Khoảng 3 năm lại đây, cứ vào mùa vụ, nhiều nông dân có diện tích sản xuất lớn thường rơi vào tình trạng thiếu lao động. Trong cái khó, nhiều nông dân đã tìm ra giải pháp để khắc phục.
Đồng Nai có tổng diện tích cây trồng gần 348 ngàn hécta, trong đó cây hàng năm gần 174 ngàn hécta, cây lâu năm khoảng 174 ngàn hécta. Nhiều nông dân có diện tích lớn luôn lo ngay ngáy khi bước vào vụ thu hoạch hoặc thời điểm làm đất, bón phân, phun thuốc trừ sâu vì không kiếm được lao động đúng thời vụ.
* Giảm chi phí đầu vào
Canh tác cây hàng năm vào mùa vụ đòi hỏi khá nhiều lao động, nhiều người đã đưa máy móc vào các khâu trong sản xuất để giảm áp lực thiếu lao động. Ông Lê Văn Thịnh ở ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 3 hécta đất trồng lúa 3 vụ, trước đây cứ vào vụ gieo trồng và thu hoạch lại phải chạy đôn chạy đáo mướn công làm. Song gần 2 năm nay, tôi không còn lo thiếu lao động nữa vì từ khâu làm đất, thu hoạch đến phơi khô đều có thể thuê máy. Việc đưa máy móc vào thay sức người giúp gia đình tôi sản xuất đúng mùa vụ, chi phí giảm từ 1,5-2 triệu đồng/hécta/vụ so với các hộ mướn thợ làm thủ công”.
Toàn tỉnh mới có trên 70 máy gặt đập liên hợp. Trong ảnh: Thuê máy gặt đập thu hoạch lúa tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H. GIANG |
Với những vùng đất tương đối bằng phẳng, trồng lúa có thể cơ giới hóa trên 80%, do vậy một lao động vẫn có thể sản xuất 3-4 hécta lúa. Còn những cây trồng khác, tỷ lệ cơ giới hóa còn chưa cao, một số nông dân tự chế ra các thiết bị, máy móc, giảm được nhiều công lao động.
Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), nói: “Trước đây, phần lớn việc trồng bắp phải làm thủ công, tốn rất nhiều công lao động. Vào mùa, nhiều khi không thuê được người làm đành phải sản xuất trễ thời vụ, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Khoảng 2 năm nay, các thành viên trong liên hiệp sáng chế ra thiết bị chọc lỗ, rải hạt gắn vào máy làm đất đã giảm được 2/3 công lao động nên khâu làm đất, gieo hạt không lo trễ thời vụ. Đồng thời, chi phí đầu vào cho trồng bắp cũng giảm 1 triệu đồng/hécta”.
* Vẫn chưa nhiều
Sử dụng cơ giới vào các khâu trong canh tác sẽ giảm được nhiều công lao động, thế nhưng hiện vẫn còn rất nhiều nông dân ở Đồng Nai chưa có điều kiện để mua máy móc. Do đó, hiệu quả kinh tế trên 1 hécta đất nông nghiệp chưa cao. Đơn cử lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun đã được tỉnh triển khai gần 10 năm, hiệu quả khẳng định qua các mô hình thí điểm tại các địa phương, nhưng đến nay tổng số diện tích có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm chỉ hơn 4 ngàn hécta.
Không có điều kiện mua máy gặt đập, nhiều nông dân vẫn phải thu hoạch thủ công. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). |
Ông Phan Văn Hồng, Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết: “Mỗi năm, trung tâm đều phối hợp với các địa phương làm điểm hàng chục mô hình đưa máy nông nghiệp vào trong các khâu canh tác, bảo quản sau thu hoạch. Sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo mời nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng, nhưng số hộ có điều kiện mua máy móc nông nghiệp để sử dụng chưa nhiều”.
Ông Trương Hùng Dũng ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho hay: “Diện tích trồng mía của tôi khá nhiều, rất cần khoản vốn lớn để mua máy nông nghiệp, nhưng hiện nay lãi suất vay ở các ngân hàng vẫn còn cao. Vì vậy, tôi đành chấp nhận thuê nhân công từ miền Tây lên và trả lương quanh năm để giữ họ ở lại”.
Với cây trồng lâu năm, như: cà phê, tiêu, cây ăn trái, nhiều nông dân trong tỉnh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống nên giảm được 80% công lao động. Ngoài ra, hệ thống tưới tiết kiệm còn có ưu điểm giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước tưới, nhiên liệu, tiền điện, còn cây trồng vẫn có đủ nguồn nước tưới, phân bón nên phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng đều được cải thiện rõ rệt. |
Để mua máy móc nông nghiệp, số vốn ban đầu các hộ bỏ ra khá lớn nên việc sử dụng máy móc nông nghiệp chủ yếu ở những người có kinh tế khá và diện tích đất nhiều. Giá các loại máy nông nghiệp làm đất dao động từ 15-30 triệu đồng/cái, máy gặt đập liên hợp trên 120-200 triệu đồng/cái, máy sấy 20-40 triệu đồng/cái, máy thu hoạch mía 3-5 tỷ đồng/cái... Do vậy, còn nhiều nông dân đến mùa vụ phải đi thuê máy hoặc loay hoay tìm bài toán lao động để thuê mướn.
Hương Giang