Một trong những chỉ đạo gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất (LS) nợ cũ về dưới 15%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Một trong những chỉ đạo gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất (LS) nợ cũ về dưới 15%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cụ thể, trong hội nghị ngành ngân hàng (NH) ngày 7-7, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các NH thương mại từ ngày 15-7 phải xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ (trước khi thực hiện cơ chế áp trần lãi suất cho vay) xuống ít nhất là 15%/năm.
* Ngân hàng lớn tự tin
Ngày 15-7, NH thương mại cổ phần (TMCP) xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thông báo hạ LS các khoản nợ cũ xuống dưới 15%/năm. Trước Eximbank, SHB cũng đã thông báo giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về tối đa 15%/năm từ 15-7. Ngoài ra, 4 NH TMCP lớn, gồm: VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ cũ sẽ về dưới 15%/năm từ ngày 15-7. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á. Ảnh: V. LÂM |
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Eximbank chi nhánh Đồng Nai cho biết, các khoản nợ cũ có LS trên 15% chủ yếu là nợ vay tiêu dùng, chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu tín dụng của chi nhánh, do đó hạ LS các khoản nợ cũ theo đúng chỉ đạo cũng không làm chi nhánh “băn khoăn” nhiều.
Tương tự, Vietcombank Đồng Nai cũng cho biết, hiện hầu hết các khoản nợ ngắn hạn lẫn trung - dài hạn của chi nhánh đều có LS dưới 15%/năm, các khoản nợ có LS trên mức này gần như không đáng kể trong tổng dư nợ. Một số NH có quy mô khá lớn tại Đồng Nai cho rằng, việc giảm LS xuống dưới 15%/năm là không khó và hợp lý, nhất là trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
* Lo giảm lợi nhuận
Tuy nhiên, không phải NH nào cũng tự tin trước yêu cầu giảm LS xuống dưới 15%/năm cho các khoản nợ cũ, nhất là các khoản vay trung - dài hạn của một số NH nhỏ và vừa. Giám đốc một chi nhánh NH có trụ sở trên đường Nguyễn Ái Quốc - TP. Biên Hòa nhận xét, việc hạ LS xuống dưới 15% cho tất cả các khoản nợ cũ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận năm 2012 của chi nhánh nói riêng và toàn hệ thống nói chung. Theo đó, các khoản vay LS trên 15% (chủ yếu là trung - dài hạn) hiện chiếm khoảng 30% tổng dư nợ của chi nhánh, cộng thêm một số khoản vay ngắn hạn cũng có LS từ 15-17% thì có đến trên 40% dư nợ có LS trên 15%. Chính vì vậy, hạ LS xuống, lợi nhuận sẽ giảm không ít. “Đầu năm nay, có nhiều khoản huy động vốn với LS trên 14%/năm ở các kỳ hạn dài từ 6 tháng - 1 năm. Khi áp dụng cho vay, NH phải áp LS trên 15%/năm, chủ yếu cho các khoản vay trung - dài hạn. Do đó, nếu giảm LS các khoản nợ cũ xuống dưới 15%, lợi nhuận cũng giảm” - giám đốc này nói.
Sẽ kiểm tra việc hạ lãi suất nợ cũ Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho biết hiện tại, mới chỉ một số ít NH lớn trên địa bàn bắt đầu thực hiện hạ LS các khoản vay cũ, nhiều chi nhánh khác vẫn chưa thực hiện. Theo ông Tuấn, các khoản vay có LS trên 15%/năm vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng dư nợ trên địa bàn, do thời điểm trước LS huy động được áp khá cao, hầu hết đều trên 14%/ năm. Tuy nhiên, chủ trương hạ LS là đúng vì NH phải chia sẻ gánh nặng cùng DN. “Sắp tới, NHNN sẽ kiểm tra chặt chẽ vấn đề này” - ông Tuấn nói. |
Tuy nhiên, cũng theo giám đốc này, việc hạ LS một mặt làm giảm lãi, song cũng có tác động tích cực là làm cho DN bớt áp lực nặng nề về LS, mạnh dạn hơn trong vay vốn, phần nào giúp các NH giải tỏa bớt tình trạng “vốn thừa, DN không dám vay” hiện tại.
Lãnh đạo một chi nhánh NH khác có trụ sở trên đường Phạm Văn Thuận - TP.Biên Hòa cũng cho biết, các khoản nợ cũ với LS trên 15%/năm chủ yếu là cho vay đầu tư nhà xưởng, vay tiêu dùng, vay BĐS… và đang là nơi “sinh lãi” chính. Vì vậy, “đi kèm với chủ trương giảm LS, hội sở phải tính toán giảm luôn chỉ tiêu lợi nhuận đã giao cho các chi nhánh từ đầu năm, giảm ít nhất là khoảng 10-20% so với trước” - vị này cho biết.
Về phía DN, hiện tại khối DN vừa và nhỏ đang là đối tượng chủ yếu chịu LS trên 15%/năm, và khảo sát thực tế cho thấy, đến thời điểm này, số DN được thông báo hạ LS mới chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nhiều chi nhánh NH vẫn thông báo “chờ hướng dẫn”.
Vi Lâm
T