Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông sức mua: Khó hay dễ?

09:07, 29/07/2012

Kinh tế khó khăn, sức mua giảm đã làm cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối cũng như giới bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tìm cách khơi thông sức mua là điều mà DN đang rất quan tâm.

 

Kinh tế khó khăn, sức mua giảm đã làm cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối cũng như giới bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tìm cách khơi thông sức mua là điều mà DN đang rất quan tâm.

“Phản ứng” đầu tiên của nhà sản xuất, giới bán lẻ là tìm cách giảm giá hoặc “chạy” các chương trình khuyến mãi nhằm “lôi kéo” sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm. Ở một số ngành hàng, có vẻ như khuyến mãi đã “lờn” thuốc.

* Khuyến mãi đã “lờn” thuốc?

Phụ trách mảng marketing của một siêu thị điện máy lớn có chi nhánh ở Đồng Nai nhận xét, giai đoạn này đang là thời điểm “trũng” trong kinh doanh hàng điện máy. Năm nay, đặc biệt còn khó bán hàng hơn do kinh tế suy giảm. “Chính vì vậy, hệ thống liên tục chạy các chương trình khuyến mãi lớn để tăng sức mua. Tuy nhiên, “chiêu” khuyến mãi của ngành điện máy có vẻ ngày càng kém thu hút” - vị này cho biết. Doanh thu ở các đợt khuyến mãi lớn trong các năm trước thường tăng gấp đôi, có khi gấp 3 lần so với ngày thường. Song hiện tại, một số siêu thị điện máy lớn ở Biên Hòa nhận định, doanh thu chỉ tăng khoảng 30-40% ở các đợt cao điểm khuyến mãi, nếu tính toán không cẩn trọng, rất khó cân bằng giữa chi phí đầu tư chương trình với doanh thu.

Khơi thông sức mua ở nhiều ngành hàng dựa trên nhiều yếu tố, ngoài giảm giá, khuyến mãi.  Ảnh: V. Lâm
Khơi thông sức mua ở nhiều ngành hàng dựa trên nhiều yếu tố, ngoài giảm giá, khuyến mãi. Ảnh: V. Lâm

Tương tự, ông Trần Tấn Phát, đại lý chính hãng của các thương hiệu xe hơi Ford, Honda, Isuzu tại Biên Hòa cũng nhận định, khuyến mãi hiện đang là “cứu cánh” gần như duy nhất cho tình trạng hàng không bán được của ngành ô tô - vốn kéo dài từ năm ngoái đến nay. Song, dù có những chương trình giảm giá, hỗ trợ mà tổng giá trị lên đến cả trăm triệu đồng/xe, sức mua vẫn tăng không đáng kể. “Khó khăn chung, hàng ế, hãng nào cũng thi nhau giảm giá nên phải nói rằng khuyến mãi không còn hấp dẫn như trước” - ông Phát nói. Một số đại lý phân phối các mặt hàng gỗ nội thất, điện gia dụng, đồ dùng gia đình… tại TP.Biên Hòa khi được hỏi cũng cho biết, sức mua hiện vẫn đang “giậm chân tại chỗ” .

Theo nhận xét chung, các chương trình khuyến mãi, giảm giá hiện vẫn hút khách ở những ngành hàng thiết yếu, như: thực phẩm, hàng tiêu dùng… và vẫn đang được các siêu thị áp dụng mạnh mẽ. Song ở nhiều nhóm sản phẩm khác, như: điện máy, bất động sản, ô tô xe máy, may mặc, nội thất… thì “chiêu” này không còn hấp dẫn như trước, trong đó nguyên nhân lớn nhất vẫn là khách hàng tiết kiệm chi tiêu, nhất là những mặt hàng không thiết yếu. Bên cạnh đó, khi “nhà nhà khuyến mãi” nên “phải làm thành chương trình lớn, bài bản và đầu tư chi phí quảng bá mạnh thì mới thu hút khách hàng” - giám đốc một chi nhánh siêu thị tại TP. Biên Hòa nhận định.

* Giải quyết hàng tồn, khơi thông sức mua

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 6-2012 tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26%; sản xuất giấy và bao bì tăng 130%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 78,7%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 25,9%...

Ở ngành bán lẻ, một số siêu thị và nhà phân phối lớn trong nhiều ngành hàng tại Đồng Nai cho biết, dù giá đã hạ, song việc bán hàng vẫn chậm chạp, khó khăn hơn nhiều so với các năm trước. Theo nhiều ý kiến, trong điều kiện sức mua kém, DN không bán được hàng thì vẫn phải chọn cách giảm giá, khuyến mãi để thu hút sức mua, giải quyết hàng tồn, thu hồi vốn… dù phải tính toán kỹ để hạn chế lỗ.

“Thậm chí, nếu hàng tồn quá lớn, DN nhiều khi phải chấp nhận “xả hàng”, bán dưới giá vốn để giải tỏa hàng, để đồng vốn quay vòng và DN không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán” - giám đốc một DN chuyên ngành may mặc và các sản phẩm vải nội thất có trụ sở tại TP.Biên Hòa cho biết. Theo đó, tồn kho đến hết tháng 6 của doanh nghiệp này đã tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dù DN đã chủ động giảm lượng hàng sản xuất. Lần đầu tiên, DN phải mở cửa “bán xả hàng tồn” ngay trụ sở công ty với giá gốc, ngoài ra, DN phải “bôn ba” khắp các hội chợ trong và ngoài tỉnh để bán thêm hàng, kết hợp với hỗ trợ và tăng chiết khấu bán hàng cho hệ thống đại lý.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc giải quyết hàng tồn và khơi thông sức mua phải bắt đầu từ việc giảm lạm phát, kéo giá cả xuống thấp, hạ lãi suất, tăng cường các hình thức ưu đãi lãi suất cho tiêu dùng… Và bên cạnh đó, vẫn phải chú trọng giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều