Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó hưởng lãi suất thấp

01:07, 08/07/2012

Các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất trong những tháng gần đây, nhưng trên thực tế, lãi suất (LS) cho vay, đặc biệt là ở các khoản nợ cũ và LS vay trung - dài hạn vẫn bị nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá là cao. LS thấp vẫn có ở các gói ưu đãi, song tiếp cận thì… trăm đường khó.

 

Các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp hiện được nhiều ngân hàng công bố, song đòi hỏi nhiều điều kiện mà doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng. Ảnh: V. Lâm
Các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp hiện được nhiều ngân hàng công bố, song đòi hỏi nhiều điều kiện mà doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng. Ảnh: V. Lâm

Các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất trong những tháng gần đây, nhưng trên thực tế, lãi suất (LS) cho vay, đặc biệt là ở các khoản nợ cũ và LS vay trung - dài hạn vẫn bị nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá là cao. LS thấp vẫn có ở các gói ưu đãi, song tiếp cận thì… trăm đường khó.

Khảo sát thực tế cho thấy, LS vay trung - dài hạn ở nhiều ngân hàng (NH) có quy mô nhỏ đang áp dụng cho nhiều DN vẫn đang ở mức 18-19%/năm, ở nhóm NH lớn từ 15-17%/năm.

* Chưa giảm đồng bộ

Hiện tại, nhiều NH than phiền LS giảm mà DN ít vay, hoặc không tìm ra DN đủ điều kiện để cho vay. Tuy nhiên, vẫn có một điểm mà các NH không đề cập tới là các khoản vay cũ, đặc biệt là các khoản trung - dài hạn vẫn đang làm DN đuối sức vì LS cao, khó có DN nào “dám” nghĩ tới việc vay vốn tiếp.

Ông L.D.T, chủ một DN trong ngành chế biến nông sản tại huyện Xuân Lộc cho biết, khoản vay trung - dài hạn lên đến gần 10 tỷ đồng của ông tại một NH hiện vẫn đang được áp mức LS 19,2%, chỉ giảm khoảng 0,8%/năm so với tháng 11 năm ngoái - thời điểm ký hợp đồng. Khi thắc mắc với NH, ông T. nhận được câu trả lời là nếu vay ngắn hạn, LS mới giảm. “Nhưng làm sao có thể chuyển từ vốn vay trung - dài hạn sang vốn ngắn hạn để nhẹ gánh LS, mà nếu có thể, DN cũng không tìm đâu ra tiền để đáo hạn trong giai đoạn này” - ông T. nói.

Nhiều DN cũng cho biết, LS vay trung - dài hạn thời gian qua tuy có giảm, song rất ít, chỉ từ 1-3%/năm và đang thực sự là gánh nặng của nhiều DN bởi các khoản vay này thường khá lớn và vay trong thời gian dài. Một điều khác mà một số DN phản ánh là tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” của LS do các NH thường áp dụng để tránh bớt phần thiệt về mình. Điều này thể hiện ở các hợp đồng tín dụng, chẳng hạn trước đây, khi LS tăng nhanh thì các NH thường để thời gian điều chỉnh LS khoảng 3 tháng 1 lần, có nơi thậm chí áp dụng thời gian điều chỉnh chỉ trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, hiện tại khi LS có xu hướng giảm, nhiều NH lại “nới” thời gian lên 6 tháng mới điều chỉnh LS một lần.

* Ít cơ hội tiếp cận lãi thấp

Những lo ngại nợ xấu và tình hình “sức khỏe” không mấy khả quan của DN hiện vẫn là nguyên nhân chính khiến dòng vốn vẫn “ứ” trong các NH. Tuy nhiên, trên thị trường lại tái diễn tình trạng đa phần DN có nhu cầu vay lại ít có cơ hội tiếp cận với nhóm NH quy mô lớn, có LS thấp hoặc các gói tín dụng ưu đãi vì các điều kiện vay vốn thường rất khó.

Khó giảm lãi suất trung - dài hạn

Trao đổi với chúng tôi, một số lãnh đạo chi nhánh NH lớn, nhỏ tại Đồng Nai cho rằng, đúng là LS trung - dài hạn thời gian qua giảm rất chậm và sắp tới, cũng khó có cơ hội giảm thêm LS vay trung - dài hạn. Nguyên nhân là do từ 11-6, NHNN thả nổi LS huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, do đó, biểu LS của các NH đảo ngược: LS thấp ở các kỳ hạn ngắn và cao ở các kỳ hạn dài. Do đó, khi sử dụng nguồn vốn huy động dài hạn với LS cao để cho vay, NH khó lòng cho vay thấp. Về các khoản nợ trung - dài hạn cũ mà các DN đang gánh với LS cao, nhiều NH cũng cho rằng, đó là “hệ quả” của việc suốt một thời gian dài, LS huy động quá cao, do đó khi sử dụng để cho vay vốn, NH buộc phải thu lãi cao.

Ông T.P, giám đốc một DN chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản ở huyện Trảng Bom, cho biết: ông đang muốn hoàn tất sớm khoản nợ vay ngắn hạn 1 tỷ đồng với LS 17% từ năm ngoái để chuyển sang các gói vay hỗ trợ. Song NH mà DN đang vay vốn đòi hỏi một loạt các yêu cầu “khó nhai” mà DN không thể đáp ứng nổi. “Nếu không thể cho vay vốn thì ngay từ đầu NH đã từ chối giải ngân, tại sao khi DN muốn tiếp cận với LS thấp hơn dành cho đối tượng nông nghiệp - nông thôn thì lại đòi thêm nhiều điều kiện?” - chủ DN này bức xúc.

Cán bộ tín dụng một NH thương mại cổ phần có quy mô nhỏ tại TP. Biên Hòa cũng thừa nhận, có những gói tín dụng công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, LS chỉ 12-13%, song thực tế, gần như không giải ngân được đồng nào bởi đòi hỏi quá nhiều điều kiện. Còn các khoản vay cũ chậm giảm LS, DN cũng khó đáo hạn để vay mới, bởi hiện tại đồng vốn trong kinh doanh của DN bị phân tán, chiếm dụng nhiều nơi, như: bạn hàng, nhà cung cấp nguyên liệu, đại lý… nên nhiều DN không tìm đâu ra tiền đáo hạn. “Mặt khác, nếu xoay xở tìm được tiền đáo hạn thì để vay món mới, làm lại quy trình rất phức tạp, mất thời gian và tốn nhiều chi phí” - cán bộ tín dụng này cho biết.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều