Myanmar chỉ cách đường bay đến TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 tiếng, nhưng nhiều năm trước đây vẫn được xem là vùng đất có nhiều giai thoại và huyền bí, ngăn cách với cộng đồng quốc tế nói chung, trong đó có Việt Nam.
Mảnh đất “màu mỡ cuối cùng của châu Á”
Myanmar chỉ cách đường bay đến TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 tiếng, nhưng nhiều năm trước đây vẫn được xem là vùng đất có nhiều giai thoại và huyền bí, ngăn cách với cộng đồng quốc tế nói chung, trong đó có Việt Nam.
Myanmar đang vào mùa mưa, do vậy sân bay quốc tế Yangon đã “chào đón” chúng tôi bằng một cơn mưa khá nặng hạt vào buổi tối cuối tháng 7. Ấn tượng đầu tiên tại sân bay đối với chúng tôi là có không ít đàn ông mặc váy (Longyi), đi dép lê, trên tay cầm bộ đàm.
* Trên mảnh đất màu mỡ cuối cùng
Khoảng gần 2 năm trở lại đây, cụm từ “Myanmar - vùng đất vàng” (Golden land - Myanmar) xuất hiện khá nhiều trên báo chí phương Tây và cả Việt Nam. Nói ví von như ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự của Cộng hòa Myanmar tại TP.Hồ Chí Minh, thì “đây là mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á”.
Người dân Myanmar với trang phục mặc váy đi dép lê trên đường phố Rangon. Ảnh: X. Phú |
Cũng không quá lời nếu xét về tiềm năng kinh tế của Myanmar, với khoảng 60 triệu dân nhưng có tổng diện tích hơn 678 ngàn km2 (lớn hơn 2 lần Việt Nam), tổng chiều dài bờ biển 2.965km cùng hơn 8 triệu km2 mặt nước. Không chỉ có tiềm năng về kinh tế biển, Myanmar còn có đất nông nghiệp rộng lớn; đồi núi và rừng già bao phủ hơn 50% diện tích của nước này nên trở thành một trong số rất ít quốc gia trên thế giới khai thác và xuất khẩu gỗ nhiều nhất. Đặc biệt, Myanmar còn sở hữu trữ lượng gỗ quý: gỗ tếch (cây giá tỵ) chiếm tới 3/4 của thế giới. Ở khu vực tam giác vàng thuộc bang Shan (biên giới giáp ranh với Thái Lan, Lào) có rất nhiều khoáng sản quý, nổi tiếng thế giới về đá quý như ruby (hồng ngọc), sapphire… Quà lưu niệm trong xách tay của người nước ngoài du lịch đến Myanmar thường là các sản phẩm trang sức được chế tác từ các loại đá, từ mặt hàng phổ thông đến đá quý rất đắt tiền. Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng cho biết, mỗi năm ở Myanmar có 3 phiên đấu thầu đá quý cho người nước ngoài tham gia, gần đây có phiên đấu giá lên tới 2,4 tỷ euro.
Myanmar thời gian gần đây rộn ràng kẻ đến người đi là vì lệnh cấm vận của Mỹ và các quốc gia phương Tây dần được gỡ bỏ nên hình ảnh Myanmar có nhiều thay đổi lớn. Tháng 6-2012, Tổng thống Thein Sein đã công bố kế hoạch cải cách giai đoạn 2 trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2012. Giai đoạn 2 tập trung phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi với chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,7%/năm. Các nhà đầu tư lớn của Anh, Mỹ, Nhật… cũng nhanh chân không hề muốn bỏ lỡ cơ hội làm ăn lớn. Đại sứ Việt Nam Chu Công Phùng cho biết, các nhà đầu tư lớn nhắm vào các dự án lớn: Anh với hạ tầng giao thông và cảng biển; Mỹ và Nhật Bản là sản xuất điện; Ấn Độ là khí đốt…
Cũng theo Đại sứ Chu Công Phùng, trong thời gian Myanmar bị cấm vận, có không ít nhà đầu tư, giới kinh doanh ở phương Tây “xé rào” đến làm ăn với Myanmar. Do vậy, khi có dấu hiệu bỏ cấm vận thì họ không còn xa lạ, bỡ ngỡ tại thị trường đầy tiềm năng này. Chỉ trong năm đầu cải cách thiết lập chính phủ dân sự, Myanmar đã đón 1,5 triệu du khách quốc tế qua đường hàng không, và nguồn đầu tư nước ngoài nay đã lên gần 50 tỷ USD.
* Cuộc sống còn khó khăn
Tiềm năng kinh tế tuy cực lớn nhưng do hơn 20 năm bị cấm vận, kinh tế Myanmar chủ yếu quan hệ làm ăn với các nước ngoài Mỹ và châu Âu, mọi giao dịch tiền tệ, tài chính với Myanmar và các nước khác đều phải thông qua trung gian thứ ba là các ngân hàng tại Singapore. Do vậy, nền kinh tế Myanmar chủ yếu là tự cung tự cấp, còn rất khó khăn, năng suất nông nghiệp rất thấp, hàng tiêu dùng, trừ các sản phẩm chế tác từ đá, hầu hết đều phải nhập khẩu.
Tượng phật dát vàng tại chùa Shwe Maw Daw xây dựng vào thế kỷ thứ VIII. |
Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Donafoods, cho biết, ông đã đi khảo sát các vùng trồng điều của Myanmar chủ yếu là quảng canh, cả nước có khoảng 20 ngàn tấn điều/năm, bằng 1/3 sản lượng của Đồng Nai); năng suất chỉ đạt 4-5 tạ/hécta, bằng 1/4 năng suất điều ở Đồng Nai. Ông Vương Thành Long, Trưởng đại diện Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại Myanmar, nhận xét, người lao động Myanmar chăm chỉ, cần cù nhưng năng suất lao động thấp. Chi nhánh BIDV đang xây một trụ sở tại Rangon nhưng tiến độ rất chậm. Do ảnh hưởng bởi nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp nên tác phong người Myanmar nhìn chung là đủng đỉnh. Ngay tại buổi hội thảo giữa Sở Công thương Đồng Nai phối hợp với Phòng Thương mại - công nghiệp Myanmar được tổ chức tại Rangon vào sáng ngày 27-7, chúng tôi phải sốt ruột chờ đợi khi chương trình bắt đầu là 9 giờ, song phải tới gần 10 giờ doanh nhân Myanmar mới đến đông đủ.
Khó khăn về kinh tế ở Myanmar có thể thấy trên các đường phố lớn như ở Rangon (tên cũ là Rangoon), thủ đô của Myanmar từ 1885 - 2006 (hiện nay Myanmar thiết lập thủ đô mới ở Nay Pyi Taw, cách Rangon 400km) vẫn còn nhiều khu nhà cũ kỹ với mái tôn gỉ sét bên cạnh các khách sạn cao tầng. Do dân số đông, lên tới 6 triệu người nên thành phố Rangon cấm tuyệt xe gắn máy và xe đạp, phương tiện chủ yếu là các loại xe đò lớn và xe chở khách nhỏ khoảng 20 chỗ loại cũ. Người ta có thể thấy hành khách đeo đu phía sau xe hoặc leo lên mui ngồi, có cả xe tay lái bên trái lẫn xe tay lái bên phải (nhập second hand). Trong cơn mưa chiều ngày 27-7, chúng tôi tìm đỏ mắt mới có một lái xe taxi cũ kỹ đồng ý chở về khách sạn. Thế nhưng, khi ngồi lên xe mới hay cửa kính xe đã bị hư và đành ngồi trong xe taxi chịu đựng mưa tạt cả vào người! Anh Bou Bou, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Shan Yoma travel & tours, còn cảnh báo chúng tôi rằng: “Điện có thể cúp bất cứ lúc nào, mong quý khách thông cảm!”.
* Nghèo mà sang
Ở Myanmar không có nhiều tiệm ăn uống tràn lan hay ăn nhậu um xùm như ở Việt Nam. Các dịch vụ ở các khách sạn tại Myanmar khá đắt đỏ, trong khi thông tin liên lạc, internet kém cỏi. Trong những ngày ở Rangon, các nhà doanh nghiệp Đồng Nai đều “mếu máo” vì không thể gọi về Việt Nam dù điện thoại đã roaming mà chỉ có thể nghe từ Việt Nam gọi sang! Internet thì chập chờn, lúc được lúc không, thế nhưng hễ cứ vào internet thì phải trả 5 USD/ngày. Hàng hóa bày bán tại các chợ thì nghèo nàn, chủ yếu là hàng địa phương hoặc nhập từ Thái Lan, Trung Quốc nhưng bình dân, rẻ tiền.
Thân cây thanakha được người dân Myanmar dùng như mỹ phẩm trang điểm được bày bán ở chợ vùng Bago. Ảnh: X.Phú |
Thế nhưng có điều tưởng chừng như nghịch lý ở quốc gia này với bình quân thu nhập đầu người chỉ mới khoảng 500 USD (thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á, bằng 40% của Việt Nam) song đánh golf, môn thể thao nhà giàu, lại khá phổ biến ở Myanmar. Chi phí của môn thể thao nhà giàu này ở Myanmar cũng vào hàng rẻ nhất thế giới, chỉ bằng 1/3-1/5 các nước phát triển. Người dân Myanmar được đặc biệt ưu tiên với chi phí chỉ khoảng 5 USD cho một buổi chơi golf đủ 18 lỗ. Điều này được lý giải là do thuộc địa chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của Anh nên Myanmar là nước trong khối ASEAN duy nhất đã sớm có hệ thống sân golf phủ khắp nước. Myanmar có hàng trăm sân golf lớn nhỏ, trong đó có 30 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế. Riêng vùng Rangon có tới 15 sân golf lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó sân golf Yangon được xây dựng từ năm 1909.
Xuân Phú