Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp phần cứu sông Đồng Nai

10:07, 20/07/2012

Hàng ngày, nước thải sinh hoạt của TP. Biên Hòa đổ ra sông Đồng Nai khá lớn. Để giảm ô nhiễm, tỉnh đang triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) với tổng vốn đầu tư gần 12.700 tỷ đồng.

Hàng ngày, nước thải sinh hoạt của TP. Biên Hòa đổ ra sông Đồng Nai khá lớn. Để giảm ô nhiễm, tỉnh đang triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) với tổng vốn đầu tư gần 12.700 tỷ đồng.

Biên Hòa là đô thị đầu tiên của tỉnh được ưu tiên đầu tư dự án hệ thống thoát nước và XLNT. Tuy nhiên, do vốn đầu tư tương đối lớn nên tỉnh chờ vào nguồn vốn ODA mới đủ khả năng thực hiện.

* 3 tỉnh, thành cùng hưởng lợi

Dự án hệ thống thoát nước và XLNT TP. Biên Hòa giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo đầu tư từ cuối tháng 12-2005. Ngày 14-4-2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.560 tỷ đồng. Thế nhưng vì thiếu nguồn vốn thực hiện, trải qua hơn 4 năm dự án mới triển khai khâu giải phóng mặt bằng và chưa thể khởi công xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến (bên trái) thăm khu vực sẽ làm nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở phường Hố Nai. Ảnh: H. Giang
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến (bên trái) thăm khu vực sẽ làm nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở phường Hố Nai. Ảnh: H. Giang

Theo kết quả của Đoàn nghiên cứu cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản thì tổng mức đầu tư cho dự án giai đoạn 1 hiện đã lên đến gần 12.700 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, riêng chi phí xây lắp, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng. Nguồn vốn ODA do Nhật Bản tài trợ chiếm 85%, vốn đối ứng trong nước 15%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho biết: “Để bảo vệ môi trường, tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống XLNT sinh hoạt. Do nguồn vốn đầu tư khá lớn, tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ trên 900 tỷ đồng, tương đương với 12% và vốn ngân sách tỉnh gần 230 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành, XLNT sinh hoạt sẽ đạt chuẩn trước khi thải ra sông Đồng Nai. Ngoài người dân TP. Biên Hòa được hưởng lợi thì gần 10 triệu dân của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cũng gián tiếp hưởng lợi”.

Hiện nay, dân cư sinh sống tại TP. Biên Hòa có khoảng 849 ngàn người, chiếm gần 1/3 dân số của toàn tỉnh. Lượng nước sinh hoạt thải ra khoảng 80 ngàn m3/ngày đêm. Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết: “Nước thải sinh hoạt của TP. Biên Hòa chỉ có khoảng 30% được xử lý bằng cách cho chảy qua bể lắng lọc rồi đổ thẳng ra sông. Việc lắng lọc chỉ hạn chế bớt một phần ô nhiễm, không đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Vì vậy, xây dựng hệ thống XLNT sinh hoạt rất cần thiết vì góp phần bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai”.

* Bao giờ hoàn thành?

Nhận thấy tính cấp bách của dự án, ngày 18-12-2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2406 đưa dự án vào danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015. Trong năm 2012, Trung ương hỗ trợ tỉnh 20 tỷ đồng để triển khai dự án. Hiện dự án đang hoàn tất khâu bồi thường giải phóng mặt bằng ở 2 khu vực xây dựng nhà máy XLNT sinh hoạt thuộc hai phường Hố Nai và Tam Hiệp. Dự tính, hai nhà máy này sau khi hoàn thành giai đoạn 1 xử lý được 67 ngàn m3/ngày đêm, cơ bản xử lý đạt chuẩn nước thải sinh hoạt ở 20 phường của TP. Biên Hòa. Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm thoát nước (đơn vị trực tiếp quản lý dự án), cho hay: “Nếu có đủ vốn, giữa năm 2013 sẽ khởi công xây dựng hai nhà máy XLNT sinh hoạt. Dự kiến, năm 2019 hai nhà máy này hoàn thành”.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm thoát nước, cho biết sau khi dự án hệ thống thoát nước và XLNT của TP. Biên Hòa hoàn thành giai đoạn 1 (khoảng 50%), tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán với Nhật Bản triển khai tiếp giai đoạn 2 là xây dựng thêm nhà máy XLNT ở xã An Hòa (TP. Biên Hòa) với công suất xử lý cả 2 giai đoạn lên khoảng 140 ngàn m3/ngày đêm.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, năm 2012, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng bốn tiểu dự án gồm tuyến thoát nước thuộc phường Hố Nai, đường Nguyễn Ái Quốc, khu vực xa lộ Hà Nội và hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa điểm xây dựng 2 nhà máy.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn cho tỉnh trong năm 2013-2015 để sớm hoàn thành dự án.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều