Theo nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lý giải, nhiên liệu chiếm từ 30-45% chi phí đầu vào nên ngành dịch vụ này buộc phải điều chỉnh giá cước theo sát biến động giá xăng dầu. Điều này cũng đồng nghĩa khi giá xăng dầu hạ nhiệt thì cước vận tải phải giảm theo.
Theo nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lý giải, nhiên liệu chiếm từ 30-45% chi phí đầu vào nên ngành dịch vụ này buộc phải điều chỉnh giá cước theo sát biến động giá xăng dầu. Điều này cũng đồng nghĩa khi giá xăng dầu hạ nhiệt thì cước vận tải phải giảm theo.
Thế nhưng, việc giảm giá cước vận tải trên thị trường luôn có độ trễ hơn rất nhiều so với sự nhanh nhẹn khi DN điều chỉnh tăng giá. Sau 4 lần xăng dầu liên tục giảm giá trong 2 tháng qua, cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt hoặc án binh bất động.
* Dễ tăng, khó giảm
Theo chủ Doanh nghiệp tư nhân Anh Hòa (TP. Biên Hòa) hoạt động trong ngành sản xuất gỗ, với quy mô sản xuất khoảng 4 ngàn m3 gỗ/tháng vừa cung cấp cho thị trường trong nước vừa xuất khẩu, mỗi tháng chi phí cho vận chuyển hàng hóa của DN lên đến cả trăm triệu đồng. Thời gian qua, DN rất sốt ruột chờ cước vận chuyển hạ nhiệt, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất là vấn đề sống còn đối với DN.
Cước vận tải vẫn chưa hạ nhiệt dù xăng dầu đã nhiều lần giảm giá. Ảnh: B.Nguyên |
Chủ một đơn vị vận tải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu thừa nhận, thời điểm này cước vận tải hàng hóa vẫn chưa được điều chỉnh giảm giá. Giá nhiên liệu khi tăng tính bằng đơn vị hàng ngàn mà mỗi đợt giảm chỉ vài trăm đồng, trong khi các chi phí khác đều tăng là nguyên nhân nhiều DN vận tải không nghĩ đến việc giảm giá cước.
Ông Nguyễn Anh Quốc, Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Viet Holiday (Biên Hòa), cho biết tuy xăng dầu nhiều lần giảm giá, nhưng hầu như các nhà xe đều chưa có động thái điều chỉnh giá cước, nếu có cũng chỉ giảm nhỏ giọt so với mức tăng trước đó. Một số DN giảm cước thường thực hiện theo kiểu khuyến mãi với mức giảm từ 2-3% cho những mối đặt xe với số lượng lớn. Chính vì vậy, mặt bằng chung của cước vận tải vẫn chưa “hạ nhiệt” theo giá xăng dầu.
* Cần minh bạch cước vận tải
Với vận tải taxi, khi giá xăng tăng 3 ngàn đồng/lít, các doanh nghiệp đưa ra mức điều chỉnh giá cước tăng từ 500-1.000 đồng/km. Qua 4 lần giảm giá với mức 2.600 đồng/lít, nhiều hãng taxi cũng giảm giá cước, đặc biệt có đơn vị giảm đến 1 ngàn đồng/km. Việc vận tải taxi luôn đi đầu trong các đợt điều chỉnh giảm giá cước so với các dịch vụ vận tải khác là do giá dịch vụ này được niêm yết công khai để khách có căn cứ so sánh, lựa chọn. Và chính sự cạnh tranh giữa các hãng taxi buộc DN phải điều chỉnh giá phù hợp với thực tế thị trường.
Ngoài taxi, hiện các dịch vụ vận tải khác hầu như vẫn án binh bất động với việc điều chỉnh giảm giá. Các DN vận tải hàng hóa thường tự định giá cước qua việc thương lượng với khách hàng. Việc thiếu một quy định chung và minh bạch về mặt bằng giá trong dịch vụ vận tải đã tạo kẽ hở cho việc “làm giá” dịch vụ này.
Ông Nguyễn Anh Quốc cho biết thêm, người làm du lịch luôn phải tính đến bài toán rủi ro vì sự thiếu ổn định về giá cả thị trường, trong đó có dịch vụ vận tải. Một thực tế hiện nay, cước vận tải không hoàn toàn được quy định bởi chi phí đầu vào mà do nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Ông dẫn chứng, cước vận tải luôn rơi vào tình trạng “sốt giá”, tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường trong những dịp lễ, tết khi nhu cầu đi lại tăng đột biến. Có lúc chỉ với lý do ngày cuối tuần khách đặt xe đông, nhà xe tự động “hét” giá cước lên cả triệu đồng/chuyến. Các loại vận tải hàng hóa và vận tải hành khách cũng cần sự minh bạch này.
Bình Nguyên