Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp phòng dịch heo tai xanh

10:07, 04/07/2012

Chỉ hơn 1 tháng dịch heo tai xanh đã bùng phát ở 11 xã của 5 huyện trong tỉnh. Hiện nguy cơ lây lan dịch vẫn rất cao, nếu các địa phương không gấp rút phòng chống và dập dịch thiệt hại sẽ rất lớn.

Chỉ hơn 1 tháng dịch heo tai xanh đã bùng phát ở 11 xã của 5 huyện trong tỉnh. Hiện nguy cơ lây lan dịch vẫn rất cao, nếu các địa phương không gấp rút phòng chống và dập dịch thiệt hại sẽ rất lớn.

Theo Chi cục Thú y Đồng Nai đến ngày 4-7, toàn tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom đã xuất hiện các ổ dịch heo tai xanh. Trong đó, có 3 xã, thị trấn đã công bố dịch là Hiếu Liêm, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) và xã Bình An (huyện Long Thành).

* Lây lan nhanh

Dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện ở Đồng Nai vào cuối tháng 5-2012 ở huyện Vĩnh Cửu. Sau đó, chỉ trong gần một tháng dịch đã lây lan ra 4 huyện khác trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 242 hộ có heo mắc bệnh trong 25 ấp, số heo mắc bệnh trên 4.012 con và heo phải tiêu hủy hơn 1.600 con. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định:  “Chưa khi nào dịch heo tai xanh xảy ra lại lây lan nhanh như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, dịch đã bùng phát thêm ở 4 huyện khác và nguy cơ lây lan ra toàn tỉnh rất cao. Hiện tỉnh đang tập trung lực lượng để dập dịch, hạn chế lây lan sang các địa bàn khác”.

Kho chứa vaccine dự phòng của Chi cục Thú y Đồng Nai. Ảnh: H. Giang
Kho chứa vaccine dự phòng của Chi cục Thú y Đồng Nai. Ảnh: H. Giang

Hiện nay, có trên 20 xã thuộc vùng bị uy hiếp và vùng đệm có nguy cơ lây lan dịch heo tai xanh khá cao. Thời tiết trong tỉnh đang vào cao điểm của mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch tai xanh cũ từ năm 2010 bùng phát. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại do dịch tai xanh toàn tỉnh khoảng 30 tỷ đồng. Không dập dịch nhanh, thiệt hại sẽ còn tăng nhanh. Vừa qua, dịch tai xanh phát sinh hầu hết ở những ổ dịch cũ do người chăn nuôi lơ là, vệ sinh kém, không tiêm phòng các bệnh bắt buộc gặp mưa nhiều, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển tạo thành dịch và lây lan.

* Gấp rút chống dịch

Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho hay: “Những xã xảy ra dịch, tỉnh cấm việc giết mổ heo và bao vây ổ dịch tiêm phòng vaccine tai xanh từ trong ổ dịch ra các vùng lân cận đang bị uy hiếp, vùng nguy cơ cao. Heo tiêm phòng vaccine tai xanh nếu bệnh nhẹ sẽ khỏi, bệnh nặng sẽ chết trong vòng 7 ngày. Loại vaccine tai xanh tiêm để phòng chống dịch hiệu quả nhất hiện nay là chủng nhược độc Trung Quốc JXA1- R”. Thời gian qua, huyện Vĩnh Cửu đã tiêm phòng vaccine JXA1- R cho đàn heo bị bệnh, đàn heo ở các vùng bị uy hiếp, kết quả mức độ lây lan dịch đã giảm và sức khỏe của đàn heo tiến triển theo chiều hướng tốt.

Heo chết do bệnh tai xanh.
Heo chết do bệnh tai xanh.

Tại cuộc họp với ban phòng chống dịch của các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa vào ngày 4-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Các địa phương kiểm tra chặt chẽ đàn heo, khi thấy dấu hiệu heo bị bệnh tai xanh xử lý ngay để tránh lây lan. Nơi nào xảy ra dịch, ngành thú y trong tỉnh phải tập trung lực lượng cả tỉnh về để tiêm phòng và dập dịch. Với người chăn nuôi có heo bệnh phải tiêu hủy dù chưa công bố dịch, tỉnh sẽ hỗ trợ 38 ngàn đồng/kg”.  Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện trên thị trường có 15 loại vaccine tai xanh được phép lưu hành, nhưng người chăn nuôi ở Đồng Nai chỉ nên dùng vaccine chủng nhược độc JXA1-R của Trung Quốc để tiêm phòng vì khả năng phòng, chống dịch tốt hơn. Ngoài tiêm phòng vaccine tai xanh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã đưa ra những khuyến cáo cho người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc, như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn. Đàn heo phải được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng, chuồng trại đảm bảo vệ sinh thú y.  Mỗi tuần dùng vôi bột, thuốc Benkocid, Chloramin B sát trùng chuồng trại 1-2 lần. Heo giống mua về cách ly 3-4 tuần, không mua thịt heo bệnh về ăn để tránh lây lan. Đồng thời hạn chế người, phương tiện ra vào trại nuôi.

Triệu chứng bệnh tai xanh

Heo nái, heo đực giống bị bệnh có triệu chứng chảy nước mắt giàn giụa, hắt hơi, sổ mũi, khó thở nằm liệt hoặc đi lại không vững. Bên cạnh đó còn kèm triệu chứng sốt 40-410C, phát ban ửng đỏ ở những vùng da mềm. Sau 4-5 ngày xuất hiện các vết lở loét rồi nặng dần. Heo thịt bị bệnh tai xanh thường sốt cao, mũi khô, mệt mỏi hay nằm, phát ban đỏ phần da mềm, rìa tai tím tái. Người chăn nuôi thấy heo có triệu chứng trên tách ngay heo bệnh nhốt riêng và báo cho thú y xã để kịp thời chữa trị hoặc tiêu hủy tránh lây lan.

 

 

 

 

 

 

 

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều