Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá mủ cao su tuột dốc

10:07, 13/07/2012

Năm nay, từ người trồng cao su đến doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó vì giá mủ cao su giảm mạnh. Giá mủ cao su tuột dốc, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của nông dân trồng cao su giảm so với những năm trước.

 

Năm nay, từ người trồng cao su đến doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó vì giá mủ cao su giảm mạnh. Giá mủ cao su tuột dốc, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của nông dân trồng cao su giảm so với những năm trước.

Đồng Nai có tổng diện tích cao su gần 45 ngàn hécta, trong đó cao su của địa phương trên 4,5 ngàn hécta, còn lại là cao su của các nông, lâm trường. Cao su của các hộ trồng nhỏ lẻ phần lớn được bán dưới dạng mủ tươi cho các doanh nghiệp trên địa bàn để chế biến và xuất khẩu.

* Lợi nhuận giảm 50%

Năm 2011, mủ cao su được sánh như “vàng trắng” vì đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/hécta cho người trồng. Nhiều nông dân trong tỉnh có diện tích cao su lớn đã thu lời tiền tỷ. Thế nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, giá mủ cao su đã đổi chiều liên tiếp giảm. Hiện mủ tươi được các doanh nghiệp, đại lý mua vào chỉ còn 15-16 ngàn đồng/kg, bằng 50% so với năm 2011.

Công nhân Nông trường cao su Bình Sơn (huyện Long Thành) thu hoạch mủ. Ảnh: H. Giang
Công nhân Nông trường cao su Bình Sơn (huyện Long Thành) thu hoạch mủ. Ảnh: H. Giang

Ông Lê Thanh Hải ở ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Tôi có 4 hécta cao su, năm trước trừ chi phí còn lời khoảng 400 triệu đồng. Năm nay, giá mủ cao su chỉ khoảng 16 ngàn đồng/kg, bằng 1/2 giá của năm 2011. Nếu thời gian tới giá mủ giữ nguyên không tăng, thì năm nay lợi nhuận chỉ bằng một nửa năm trước”.

Trong khi giá mủ cao su giảm sâu thì tiền thuê lao động cạo mủ tăng thêm 20-30 ngàn đồng/ngày công (120-130 ngàn đồng/ngày công). Ngoài công lao động tăng giá, một loạt vật tư đầu vào khác, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng 5-10% so với năm 2011.

Ông Phan Văn Châu ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Cây cao su năm nay gặp rất nhiều cái rủi, đầu tháng 4 vừa qua cơn bão số 1 làm đổ, trốc gốc hàng loạt làm năng suất mủ giảm, đã thế giá giảm mạnh khiến lợi nhuận của người trồng cao su rất thấp. Năm 2011, từ 20 hécta cao su, tôi lời khoảng 1,4 tỷ đồng, song năm nay chắc chỉ thu được khoảng 500-600 triệu đồng”.

* Giá xuất khẩu giảm sâu

Mủ cao su của Đồng Nai phần lớn được các doanh nghiệp mua sơ chế xuất khẩu. Giá mủ cao su trong nước lệ thuộc vào giá thế giới.

Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết:  “Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu cao su của tổng công ty tương đối ổn định vì có các đơn đặt hàng dài hạn. Các thị trường xuất khẩu lớn của công ty là: châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ đều có nhu cầu tăng sản lượng nhập khẩu cao su của công ty, do vậy sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, nhưng giá giảm trên 40% so với năm 2011”.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu mủ cao su 6 tháng đầu năm 2012 của cả nước đạt 412 ngàn tấn, tăng trên 42% về lượng so với năm 2011 nhưng giảm 0,3% về giá trị. Các thị trường tiêu thụ cao su lớn của Việt Nam là: Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc. Tuy nhiên, do giá cao su thế giới thời gian qua xuống thấp nên dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm. Giá xuất khẩu cao su trung bình của 6 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 3 ngàn USD/tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo lý giải của Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá cao su trên thị trường thế giới từ đầu năm đến nay giảm mạnh là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới chưa phục hồi tại nhiều nước và khủng hoảng nợ công châu Âu. Giá cao su trong thời gian tới ít khả năng có những đợt tăng đột phá, vì hiện Việt Nam và một số nước có diện tích cao su lớn trên thế giới đang vào vụ thu hoạch. Dự kiến, sản lượng cao su thế giới năm nay đạt 11,4 triệu tấn, tăng 300 ngàn tấn so với dự báo. Riêng tại Đồng Nai, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 vào đầu tháng 4-2012 khiến nhiều vườn cây cao su bị gãy đổ, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích