Sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) tung lực lượng đến các chợ bán hàng trực tiếp nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn, đồng thời tìm đại lý phân phối. Đây cũng là cách DN quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận biết của người tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua tại các chợ truyền thống.
Sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) tung lực lượng đến các chợ bán hàng trực tiếp nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn, đồng thời tìm đại lý phân phối. Đây cũng là cách DN quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận biết của người tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua tại các chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, quản lý khu vực Đồng Nai của Công ty TNHH Uni - President Việt Nam (tỉnh Bình Dương) cho biết, năm nay, DN đẩy mạnh hoạt động bán hàng lưu động tại các chợ, tập trung ở những tỉnh trọng điểm, như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
* Tăng độ nhận biết thương hiệu
Ngoài những sản phẩm đã quen với thị trường, Công ty TNHH Uni - President còn giới thiệu dòng sản phẩm mới với nhiều hoạt động khuyến mãi, như: mời dùng thử sản phẩm, mua 5 tặng 1 hay tặng quà… Ông Đinh Trọng Nam Phương, phụ trách thương mại địa bàn Đồng Nai của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP. Hồ Chí Minh), cho biết DN đang tập trung xây dựng mạng lưới bán lẻ, tăng thị phần tại thị trường nội địa, không chỉ hướng đến xuất khẩu như trước. Từ đầu năm đến nay, chương trình bán hàng lưu động của DN đồng loạt ra quân khắp các tỉnh, thành. Tại Đồng Nai, ngày nào cũng có các tổ bán hàng lưu động về khu vực chợ, trường học, điểm đông dân cư để giới thiệu sản phẩm. Ông Phương nêu dẫn chứng, trong ngày bán hàng tại chợ Biên Hòa vừa qua, khoảng 500 khách đã đến dùng thử và mua sản phẩm Cầu Tre cho thấy hiệu quả của chương trình.
Thực phẩm Cầu Tre thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tại chợ Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Đại diện Công ty TNHH Daso thuộc Tập đoàn Daso Việt Nam chia sẻ, DN không ít lần nhận được phản hồi của người tiêu dùng là hàng giả nhãn hiệu Daso xuất hiện trên thị trường nhưng thực ra đây là dòng sản phẩm mới của đơn vị. DN đưa hàng vào chợ bán tận tay người tiêu dùng, tăng cường giới thiệu sản phẩm để khách quen hơn với nhãn hàng mới.
* Kết nối tiểu thương
Ông Đinh Trọng Nam Phương đánh giá, DN trực tiếp bán hàng tại chợ không chỉ góp phần tăng doanh thu mà còn hỗ trợ đội ngũ tiếp thị của công ty tiếp cận tốt hơn với tiểu thương. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng trên địa bàn Đồng Nai, Cầu Tre đã xây dựng được mạng lưới với khoảng 3 ngàn điểm bán lẻ. Chương trình đưa hàng vào chợ sẽ được DN tiếp tục mở rộng về các vùng nông thôn.
“Nhằm hỗ trợ tiểu thương tại các chợ đang gặp khó khăn vì sức mua thấp, hàng hóa ế ẩm, DN tổ chức các đội bán hàng lưu động về hỗ trợ các đại lý, điểm bán lẻ giải quyết hàng tồn. DN chịu mọi chi phí trong việc tổ chức bán hàng và khuyến mãi. Sau các đợt bán hàng lưu động, sức tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống được cải thiện tốt hơn, đồng thời tạo sự gắn kết giữa DN với tiểu thương” - ông Nguyễn Ngọc Hà nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa, việc doanh nghiệp tổ chức chương trình bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng đã có nhiều năm nay. Trước đây, thỉnh thoảng mới có đơn vị đăng ký bán hàng tại chợ nhưng vài tháng trở lại đây hầu như tuần nào cũng có doanh nghiệp về chợ. Các DN thường có nhiều hoạt động khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm nên thu hút khá đông người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, DN cũng cần có thêm những chính sách kết nối, hỗ trợ tiểu thương, không nên quá nghiêng về việc tăng doanh thu qua bán hàng, đẩy mình vào thế cạnh tranh trực tiếp với tiểu thương. |
Chị Chín, tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, nhận xét: “Nhiều DN Việt đã làm tốt trong việc tổ chức mạng lưới phân phối hàng tại chợ. Tuy nhiên, so với các thương hiệu mạnh của những tập đoàn đa quốc gia, hàng ngoại, khâu hậu mãi của hàng Việt vẫn có độ chênh khá lớn. DN không nên dừng lại ở việc tổ chức một vài chương trình theo phong trào mà cần xây dựng một giải pháp đồng bộ, từ cách thiết lập hệ thống phân phối, tiếp thị, quảng cáo đến những chính sách hỗ trợ bán hàng”.
Bình Nguyên