Báo Đồng Nai điện tử
En

Để vườn cây phát triển tốt trong mùa mưa

09:07, 08/07/2012

Do thời tiết mưa nhiều, dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng phát triển khá nhanh. Làm thế nào để phòng trừ sâu bệnh trong các vườn cây lâu năm và hàng năm, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai.

Do thời tiết mưa nhiều, dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng phát triển khá nhanh. Làm thế nào để phòng trừ sâu bệnh trong các vườn cây lâu năm và hàng năm, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai. Ông cho biết:

Toàn tỉnh có khoảng 348 ngàn hécta cây trồng các loại, trong đó một nửa diện tích là cây lâu năm và một nửa là cây hàng năm. Vào mùa mưa, ngoài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nông dân còn thêm nỗi lo mưa nhiều nên độ ẩm cao khiến sâu bệnh phát triển nhanh, rất khó phòng trừ.

* Năm nay, mưa nhiều phát sinh loại sâu bệnh trên cây trồng gia tăng nhanh. Theo ông , nông dân phải làm gì để hạn chế sâu bệnh trong vườn cây trong mùa mưa?

- Mưa nhiều, thời tiết âm u, độ ẩm cao là điều kiện tốt để nhiều loại nấm bệnh, sâu bệnh phát triển gây hại cho cây trồng lâu năm và hàng năm. Để giảm bớt sâu bệnh trên cây trồng lâu năm và cây trồng hàng năm, có một số nguyên tắc cơ bản bà con nông dân nên áp dụng là đào mương thoát nước cho vườn cây và không để vườn bị ứ đọng nước sau các cơn mưa. Trong mùa mưa, hạn chế đi lại trong vườn cây nhằm tránh nấm bệnh, sâu bệnh lây lan. Ngoài ra, bà con cần tăng lượng phân bón hữu cơ có ủ nấm Trichoderma và phân bón lá có hàm lượng lân, kali cao để tăng sức đề kháng cho các loại cây trồng. Nên thăm vườn thường xuyên để nếu thấy xuất hiện sâu bệnh thì phòng trừ ngay, kịp thời tránh lây lan.

* Vào mùa mưa, để phòng bệnh cho cây trồng, có nhiều nhà vườn đã phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi cây bị bệnh. Thưa ông, đây có phải là giải pháp tích cực?

- Cơ quan bảo vệ thực vật không khuyến khích nông dân dùng biện pháp này để phòng sâu bệnh cho cây trồng. Vì cách làm này vừa tốn kém lại không mang tính phòng trừ dịch hại bền vững, đôi khi còn đem lại hậu quả sâu bệnh kháng thuốc, khi đó việc phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây sẽ khó khăn hơn. Do vậy, chỉ khi xuất hiện sâu bệnh, bà con nông dân mới tiến hành phun thuốc đặc trị để phòng trừ. Riêng với cây tiêu, khi phát hiện những vườn cây xung quanh bị bệnh nên tiến hành phun xịt thuốc phòng trừ trước vì bệnh chết nhanh chết chậm khi có biểu hiện ra ngoài là lúc bệnh nặng khó phòng trừ.

Phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh hại quýt ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú. Ảnh: H. GIANG
Phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh hại quýt ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú. Ảnh: H. GIANG

* Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc sinh học phòng trừ sâu hại cây trồng, nhưng theo bà con nông dân, hiệu quả không cao nên ít người dùng. Về vấn đề này ông có khuyến cáo gì với bà con?

- Trên mỗi loại cây trồng, ngành bảo vệ thực vật đều đã soạn thảo quy trình về phòng trừ dịch hại tổng hợp. Hàng tháng chi cục và các trạm bảo vệ thực vật phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn về phòng trừ dịch bệnh trên các loại cây trồng, trong đó có hướng dẫn kỹ việc chọn thuốc, cách phun xịt đem lại hiệu quả cao nhất. Khi có những lớp tập huấn này, bà con nông dân nên dành chút thời gian tham gia vì rất hữu ích.

Ông Nguyễn Công Tú: Cách tốt nhất là áp dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp

Theo tôi, nông dân nên chọn các loại thuốc sinh học ít độc hại, đã qua kiểm nghiệm thực tế, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép sử dụng và mua sản phẩm của những công ty nổi tiếng sẽ bớt được tình trạng thuốc kém chất lượng. Khi mua thuốc, bà con đọc kỹ nhãn mác, thời hạn sử dụng, xem thuốc có khuyến cáo dùng với cây trồng mình đang canh tác và có cách sử dụng hay không.  Thuốc nguồn gốc sinh học nếu hạn sử dụng gần hết, bà con không nên dùng vì hiệu quả sẽ không cao. Tôi muốn nhấn mạnh là phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng là biện pháp cuối cùng. Cách tốt nhất là bà con áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng được nâng lên mà chi phí đầu vào lại giảm.

Với các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng luôn được ngành bảo vệ thực vật khuyến khích nông dân sử dụng. Hiệu quả ban đầu không cao, nhưng về lâu dài các loại thuốc này phòng trị bệnh rất tốt, ít gây độc hại cho con người và môi trường, không xảy ra tình trạng kháng thuốc. Với thuốc sinh học, khi sử dụng bà con chọn thời tiết phù hợp, thuốc mới sản xuất, thời hạn sử dụng còn dài, sử dụng hiệu quả sẽ cao. Còn các loại thuốc hóa học, sau khi phun xịt đem lại hiệu quả tức thì, phun vài lần liên tiếp cùng một loại thuốc sẽ dẫn đến kháng thuốc, sâu hại sẽ nhiều hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều