Đến thời điểm này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai đã vượt kế hoạch đề ra cho năm 2012.
Đến thời điểm này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai đã vượt kế hoạch đề ra cho năm 2012.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), đến thời điểm này, thu hút vốn FDI vào các KCN Đồng Nai (Diza) đã đạt 937 triệu USD, kể cả dự án mới và dự án tăng vốn.
* Mạnh dạn… chờ thời
Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), ước tính tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 6,4 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI cũng giảm cả về số lượng dự án lẫn vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước (giảm 25%).
Đón đầu dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản đang được nhiều khu công nghiệp Đồng Nai chú trọng. Trong ảnh: Nhà máy Hisamitsu. |
Điều này chứng tỏ, dù trên bình diện chung của cả nước, thu hút FDI có giảm, song ở những địa bàn nhiều lợi thế về vị trí, kinh nghiệm vận động đầu tư… như Đồng Nai, con số này vẫn tăng đều. Trong 6 tháng qua, dự án lớn nhất có tổng vốn đầu tư lên đến 441 triệu USD trên diện tích 55 hécta của Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Nhật Bản) chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng tại KCN Long Đức (Long Thành). Ngoài ra, còn có các dự án quy mô tương đối lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan… như dự án của Công ty cổ phần Quang Hưng Plus (liên doanh Việt - Nhật) có vốn 10 triệu USD; dự án của Công ty TNHH thực phẩm House Việt Nam (Nhật Bản) có vốn 14 triệu USD; dự án của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Viễn Dương (Cộng hòa Seychelles nằm ở châu Phi) có vốn 5 triệu USD, Hisamitsu (Nhật Bản) với gần 18 triệu USD, Akzo Nobel (Hà Lan) với vốn đầu tư 12 triệu USD…
Phát biểu tại các buổi lễ khánh thành nhà máy và khởi công dự án mới, đại diện của các nhà đầu tư của Suzuki (Nhật), Akzo Nobel (Hà Lan), Hisamitsu (Nhật Bản)… đều cho rằng, trong thời điểm kinh tế còn khó khăn, quyết định đầu tư mở rộng hay xây dựng nhà máy mới đều được đắn đo cân nhắc kỹ, song đều cần thiết. Ông Shakata Takeshi - Tổng giám đốc Công ty Hisamitsu Việt Nam tại lễ khánh thành nhà máy mới trị giá gần 17 triệu USD vào cuối tháng 5-2012 đã cho rằng, Hisamitsu quyết định mở rộng quy mô sản xuất đầu tư thêm một nhà máy mới tại KCN Biên Hòa 2 nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong tương lai, Hisamitsu mong muốn không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường Việt Nam mà còn hướng tới các nước châu Á khác, như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore…
Tương tự, ông Leif Darner - thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Akzo Nobel tại Việt Nam, cho biết dự án mới này khẳng định Việt Nam và Đông Nam Á là thị trường chiến lược của tập đoàn này hiện tại và cả trong những năm tới. Trước mắt, sản phẩm nhằm cung cấp cho thị trường nội địa, và 3 năm sau sẽ xuất khẩu khoảng 20% sản lượng ra thị trường Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines.
* Đón sóng đầu tư từ Nhật
Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng qua, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là 4,16 tỷ USD, chiếm đến hơn 65% tổng vốn vào Việt Nam nửa đầu năm 2012 và là nhà đầu tư lớn nhất hiện nay.
Tỷ lệ dự án công nghệ cao còn thấp Tuy lượng vốn FDI vào Đồng Nai trong 6 tháng qua được đánh giá là khả quan, song thu hút vốn FDI tại Đồng Nai cũng như cả nước vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn đạt được mục tiêu thu hút được nhiều dự án công nghệ cao. Trong 27 dự án cấp mới tại các KCN Đồng Nai nửa đầu năm qua, chỉ có 2 dự án “nhắm chừng” có thể lọt vào danh sách dự án công nghệ cao với các ưu đãi riêng, song trước mắt, còn nhiều thủ tục xét duyện cần phải làm để xác nhận 2 dự án trên thuộc nhóm ưu tiên. Nhìn rộng ra, theo đánh giá của Diza, từ năm 2006 đến nay, số lượng dự án được đánh giá là công nghệ cao chỉ chiếm dưới 5% các dự án nằm trong KCN. |
Tại Đồng Nai, theo Diza, thu hút vốn FDI của dự án mới đạt khoảng 583 triệu USD trong tổng số 937 triệu USD 6 tháng qua. Trong đó, dòng vốn từ Nhật Bản chiếm khoảng 80% vốn thu hút mới. Điều này phản ánh đúng thực tế rằng sau thảm họa động đất và sóng thần, Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài mà Việt Nam là một trong những lựa chọn tốt. Hiện tại ở Đồng Nai, nhiều nhà kinh doanh hạ tầng lớn, như: Tổng công ty Tín Nghĩa hay Sonadezi vẫn đang ráo riết thực hiện công tác xúc tiến đầu tư để đón làn sóng đầu tư này. Một số KCN chuyên biệt hoặc ưu tiên cho DN Nhật đã và đang hình thành, như: Long Đức, Giang Điền, Nhơn Trạch 3…
Ông Chu Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát triển KCN Sonadezi, cho biết thông qua các nhà tư vấn, đối tác và cả các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại các KCN của mình, Sonadezi đang đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào các KCN. “Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản trong năm nay là khá lớn. Theo thông tin từ các nhà tư vấn, ít nhất 240 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đang muốn đầu tư ra nước ngoài và chúng tôi sẽ tìm cách đón làn sóng này” - ông Sơn nói.
Được biết, hiện tại, trong các KCN của Sonadezi đã có khoảng 70 doanh nghiệp Nhật đang sản xuất với tổng vốn khoảng 1,4 tỷ USD.
V.Lâm