Theo ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nhiều hộ nuôi heo, bò trong tỉnh đã làm công trình khí sinh học tận dụng chất thải trong chăn nuôi, đem lại nhiều hiệu quả.
Dùng biogas chạy máy phát điện tại hộ anh Thẩm ở xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ). |
Theo ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nhiều hộ nuôi heo, bò trong tỉnh đã làm công trình khí sinh học tận dụng chất thải trong chăn nuôi, đem lại nhiều hiệu quả.
Đồng Nai có tổng đàn gia súc gần 1,3 triệu con, chất thải trong chăn nuôi hàng ngày khá lớn. Việc đầu tư xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas) giúp các hộ dân tận dụng nguồn khí để đun nấu, thắp sáng và chạy máy phát điện, giảm thiểu ô nhiễm và tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
* Giảm chi phí đầu vào
Từ năm 2003 đến nay, Đồng Nai có 4 ngàn hộ chăn nuôi được hỗ trợ vốn để xây dựng hầm biogas. Ngoài ra, nhận thấy hiệu quả của công trình khí sinh học đem lại khá cao, hàng ngàn hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng đã tự đầu tư xây dựng.
Ông Bùi Đức Lợi , chủ trang trại gần 1 ngàn con heo ở ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), cho hay: “Vì có đàn heo lớn nên gia đình tôi xây dựng 5 hầm biogas với thể tích 200m3 để lấy nguồn khí đun nấu, chạy máy phát điện trộn thức ăn chăn nuôi. Nhờ vậy mà hàng tháng tôi tiết kiệm được gần 5 triệu đồng tiền điện, tiền gas. Đồng thời, nguồn phân thải được thiết kế chảy thẳng vào các hầm biogas giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi”.
Hiện nay, trên thị trường có 3 loại hầm biogas để người chăn nuôi lựa chọn, gồm: hầm xây tròn kín, hầm xây hở ủ bạt, hầm bằng bạt. Trong ba loại hầm này loại xây kín giá mắc nhất khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/m3, hầm xây ủ bạt khoảng 800 ngàn đồng/m3, hầm làm bằng bạt khoảng 300 ngàn đồng/m3. Theo kỹ sư Trần Viết Huy, Trưởng trạm Khuyến nông Vĩnh Cửu, hầm biogas xây tròn kín có giá thành cao nhất, nhưng độ bền lên đến 10-15 năm, gấp 3-5 lần các loại hầm khác. Ngoài ra, các hộ xây dựng hầm biogas còn có thể tận dụng chất bã cặn, nước xả từ hầm tưới và bón cho các loại cây trồng, giảm phân bón hóa học, tiết kiệm khoảng 1-1,2 triệu đồng/hécta/vụ với cây hàng năm và 4-6 triệu đồng/hécta/năm đối với cây lâu năm. |
Sau vài tháng, ông Lợi lại gom chất thải lắng đọng trong các hầm biogas đem bán cho các trang trại trồng trọt và các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ. Khoản thu này giúp ông có thêm 30-40 triệu đồng/năm để bù chi phí đầu vào cho chăn nuôi hạ giá thành.
Ông Nguyễn Văn Dục, ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền (huyện Trảng Bom), nói: “Để tận dụng nguồn phân thải từ đàn heo, tôi xây dựng hầm biogas khoảng 70m3. Khí thải của hầm này giúp gia đình tôi đun nấu, thắp sáng thoải mái và còn chạy máy phát điện để xay bắp, mì trộn thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng tiết kiệm 2 triệu đồng tiền điện. Do đó, giá thành của chăn nuôi heo giảm được gần 1 ngàn đồng/kg”.
* Giảm ô nhiễm
Xây dựng hầm biogas không chỉ giúp các hộ chăn nuôi hạ chi phí đầu vào, còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Đây là một trong những quy trình trong thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết: “Trong gần 10 năm qua, từ nguồn vốn tài trợ của Hà Lan và tỉnh ủy thác, trung tâm đã hỗ trợ trên 4 tỷ đồng cho khoảng 4 ngàn hộ chăn nuôi trong tỉnh xây dựng hầm biogas. Mục đích của chương trình xử lý chất thải trong chăn nuôi là cung cấp nguồn năng lượng rẻ cho bà con nông dân sử dụng để giảm chi phí đầu vào”.
Xây dựng hầm biogas tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang |
Những hộ chăn nuôi có nguồn phân thải từ 20kg/ngày trở lên đều có thể làm hầm biogas để xử lý chất thải, tận thu nguồn khí thắp sáng, đun nấu. Tùy theo lượng gia súc, gia cầm mà người chăn nuôi có thể xây dựng công trình cho phù hợp. Ông Hoàng Văn Học ở thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), một thợ xây có thâm niên trong nghề làm hầm biogas gần 10 năm, cho hay: “Các hộ chăn nuôi heo, bò, dê, gà đều có thể xây dựng công trình khí sinh học. Trong đó, 1m3 của hầm tương đương với 5 con heo thịt từ 50kg trở lên hoặc 2 con bò trưởng thành. Công trình có thể xây dựng từ 1-50m3, giá dao động từ 1,2-1,4 triệu đồng/m3”. Với nguồn khí thu được để đun nấu, thắp sáng hay chạy máy phát điện, chỉ sau gần hai năm người chăn nuôi có thể thu hồi vốn.
Hương Giang