Trước thông tin một số nơi xuất hiện bệnh heo tai xanh, huyện Trảng Bom là địa phương có tổng đàn heo lớn của tỉnh với gần 200 ngàn con đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Trước thông tin một số nơi xuất hiện bệnh heo tai xanh, huyện Trảng Bom là địa phương có tổng đàn heo lớn của tỉnh với gần 200 ngàn con đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Toàn huyện Trảng Bom hiện có hàng trăm trang trại chăn nuôi heo lớn nhỏ với gần 200 ngàn con. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, thời gian qua huyện đã triển khai cho các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng chống dịch heo tai xanh, thành lập các đội xung kích chống dịch, tổ tiêm phòng và chủ động xử lý khi dịch xảy ra.
Trang trại heo của ông Diện ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Ảnh: H.Giang |
Đến nay, huyện đã cấp phát cho người dân 9 ngàn tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh heo tai xanh, phân bổ 4 ngàn lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để phun xịt phòng chống bệnh gia súc, gia cầm. Tạm ứng 4 ngàn liều vaccine tai xanh cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 2 xã Thanh Bình và Cây Gáo.
Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết: “Trước tình hình diễn biến dịch bệnh tai xanh ở các xã của huyện Vĩnh Cửu, là huyện giáp ranh, Trảng Bom đã xác định nguy cơ lây lan rất cao nên đã nhanh chóng triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch. Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn phải xây dựng các phương án cụ thể về phòng chống dịch”. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức phát thuốc cho các xã, như: Thanh Bình, Cây Gáo, Bắc Sơn, Hố Nai 3, Bình Minh, Sông Trầu, Bàu Hàm. Huyện đã chỉ đạo tất cả các xã phải nắm lại toàn bộ số lượng heo của các hộ nuôi nhỏ lẻ để vận động bà con đăng ký vaccine tiêm phòng; tăng cường kiểm soát khâu lưu thông và ở các chợ để ngăn chặn tình trạng mua bán heo sống và thịt heo không qua kiểm dịch.
Có thể thấy, công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh hiện nay đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt ở tất cả các xã, thị trấn ở Trảng Bom. Trong những ngày này, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại xã Sông Trầu còn đến từng ấp để hướng dẫn các hộ chăn nuôi những biện pháp phòng chống dịch bệnh cho heo nói chung, đặc biệt là bệnh heo tai xanh. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2010, năm nay, để công tác phòng chống dịch heo tai xanh đạt hiệu quả, chính quyền xã đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, như: xây dựng và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch; thường xuyên tuyên truyền phổ biến bằng nhiều hình thức; triển khai tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc và lên phương án phòng chống dịch heo tai xanh. Ông Vương Đăng Giáp, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã đã thông báo về các biện pháp phòng chống bệnh heo tai xanh đến toàn bộ các ấp và tới từng hộ chăn nuôi. Để đảm bảo phòng chống bệnh heo tai xanh, xã đã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo xuống trực tiếp các ấp để triển khai cho bà con đăng ký số lượng vaccine tiêm phòng bệnh heo tai xanh”.
Ông Vũ Ngọc Sơn, chủ trang trại chăn nuôi gần 700 con heo ở ấp 6 - xã Sông Trầu cho biết, năm 2010, dịch heo tai xanh xảy ra, trang trại của ông cũng không ngoại lệ. Ông đã phải tiêu hủy hàng chục con heo, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Do vậy, khi nghe thông tin trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, giáp ranh với xã Sông Trầu xuất hiện dịch bệnh, ông rất lo lắng. Nhưng sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn việc phòng dịch bệnh, ông cảm thấy an tâm hơn và tăng cường công tác phòng bệnh theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn. Ông Vũ Ngọc Sơn nói: “Vấn đề cơ bản nhất là làm tốt vệ sinh môi trường, xịt thuốc khử trùng theo đúng hướng dẫn và chủng ngừa vaccine đầy đủ. Đồng thời, lượng thức ăn cần bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho heo”.
Thùy Dương