Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Nguyễn Văn Cư: Mạnh từ biển, giàu lên từ biển

08:06, 07/06/2012

Sáng 5-6, Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam tổ chức khai mạc  “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam 2012”. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết:

Sáng 5-6, Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam tổ chức khai mạc  “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam 2012”. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết:

- Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực biển và hải đảo ở nước ta, được Chính phủ quy định trong Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009; Quyết định số 373/2010/QĐ-TTg ngày 23-3-2010 về việc phê duyệt đề án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.  Việc Chính phủ cho phép Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam” (từ ngày 1 đến 8-6 hàng năm) được xem là mốc sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.

Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân nước Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc tổ chức thành công sự kiện này hàng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương. Từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước.

Kỷ niệm Ngày đại dương thế giới và biển, đảo Việt Nam hàng năm là việc để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo bền vững, đồng thời đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể thực hiện 6 mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Đồng thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.

* Thông qua sự kiện này, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam muốn gửi đến người dân thông điệp gì, thưa ông?

- Việc tổ chức “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2012” chính là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả bề rộng, lẫn chiều sâu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương. Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, ý thức dân tộc của mỗi người dân Việt Nam đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong xu thế hội nhập hiện nay. Đây cũng là dịp để tuyên truyền những kết quả bước đầu trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo theo tinh thần Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, cũng là dịp để quảng bá thành tựu, thành quả cùng những kinh nghiệm phát triển kinh tế biển, đảo của các địa phương trong cả nước.

Cảnh đẹp biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).  Ảnh: T.L
Cảnh đẹp biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: T.L

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, mọi tổ chức, cá nhân doanh nghiệp… hãy có hành động thiết thực vì môi trường, hãy làm những việc cụ thể vì “Nền kinh tế xanh” và vì “Biển xanh quê hương”.  Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển, đảo và đại dương cho mọi tầng lớp nhân dân; biến nhận thức về bảo vệ môi trường và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể ở mỗi người, mỗi ngành.

* Thưa ông, ở nhiều địa phương không có biển và hải đảo như tỉnh Đồng Nai thì công tác tuyên truyền để người dân hiểu về biển, đảo cần tập trung vào những nội dung gì?

- Đồng Nai tuy là tỉnh không có biển trực tiếp nhưng có ảnh hưởng rất lớn từ biển. Như, đất nước Lào không có biển, nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày người dân Lào đều nghĩ có biển và hướng đến lợi ích từ biển. Lào cũng là nước thành viên trong tiểu ban khoa học biển của khối ASEAN. Ở tiểu ban này, Lào tham gia rất tích cực và đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng giúp đề ra những chính sách phù hợp bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi từ biển. Do đó, vấn đề nâng cao nhận thức, vai trò của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ biển, đảo hết sức quan trọng, không dành riêng cho những địa phương có biển, mà kể cả những địa phương không có biển như Đồng Nai. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự quán triệt, nhận thức đầy đủ của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp xã hội về tầm quan trọng của biển, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên từ biển.

* Xin cảm ơn ông.

Đức Việt - Đoàn Phú (thực hiện)

 

Tin xem nhiều