Thời gian qua, địa bàn Đồng Nai có khá nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm”, điển hình như chất tạo nạc trong nuôi heo… Dưới góc độ kinh tế, việc đưa hay không đưa các thông tin trên cũng như mức độ ảnh hưởng của các thông tin này luôn làm các nhà báo phải cân nhắc, đắn đo. Nhân ngày 21-6, xin chia sẻ một số góc nhìn về vấn đề này thông qua một vài vụ việc cụ thể ở Đồng Nai.
Thời gian qua, địa bàn Đồng Nai có khá nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm”, điển hình như chất tạo nạc trong nuôi heo… Dưới góc độ kinh tế, việc đưa hay không đưa các thông tin trên cũng như mức độ ảnh hưởng của các thông tin này luôn làm các nhà báo phải cân nhắc, đắn đo. Nhân ngày 21-6, xin chia sẻ một số góc nhìn về vấn đề này thông qua một vài vụ việc cụ thể ở Đồng Nai.
Sự ảnh hưởng của báo chí với cộng đồng khá lớn. Chính vì vậy, trước mỗi vụ việc, sự cân nhắc của nhà báo với thông tin được cho là rất cần thiết, bởi nó có thể gây ra nhiều tổn thất về kinh tế, tiếng tăm, thương hiệu…
* “Sức nặng” của thông tin
Vụ việc chất cấm tạo nạc trong nuôi heo xảy ra vào đầu năm 2012, thực tế tại Đồng Nai chỉ có một bộ phận rất nhỏ người chăn nuôi sử dụng chất cấm. Theo kết luận của cơ quan chức năng chỉ chiếm khoảng 3%. Tuy nhiên, rất nhiều phương tiện truyền thông đã khai thác sự việc này tối đa dưới nhiều góc cạnh. Nhiều bài báo chỉ xoáy sâu vào vấn đề dùng chất cấm, tác hại của nó, gây hoang mang cho cộng đồng.
Việc báo chí thông tin quá “liều” về chất tạo nạc trong chăn nuôi đã khiến người tiêu dùng tẩy chay thịt heo, làm người chăn nuôi ở Đồng Nai khốn khó. |
Hệ lụy của việc đưa thông tin một chiều không đầy đủ đã làm tất cả người chăn nuôi chân chính (97%) bị ảnh hưởng nặng nề. Heo hơi tại Đồng Nai đang có giá từ 50-52 ngàn đồng/kg, rớt xuống còn 38-40 ngàn đồng/kg. Người chăn nuôi đã không bán được hàng vì người tiêu dùng tẩy chay thịt heo. Về thiệt hại, ước tính cả nước phải lên đến gần 3 ngàn tỷ đồng, trong đó Đồng Nai thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.
Việc chạy theo thông tin “nóng”, nhiều thông tin theo kiểu “nghe đồn”, thiếu kiểm chứng, xác minh liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, như: bưởi gây ung thư; sử dụng chất kích thích tăng trưởng làm rau lớn nhanh, chỉ sau vài ngày có thể đưa ra thị trường; sự xuất hiện gạo giả, trứng giả... Hậu quả là nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do những “tin vịt” này gây ra.
Nông dân trồng bưởi ở Đồng Nai từng thấm thía tác hại khi thông tin bưởi có chất gây ung thư lan truyền. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá bưởi “rớt” từ 8-10 ngàn đồng/kg xuống còn 1 ngàn đồng nhưng vẫn không có người mua, nhiều nhà vườn đã đốn bỏ cây bưởi vì không có hiệu quả kinh tế. Đây được xem là một “tai nạn nghề nghiệp” đáng để những người làm báo cần rút ra bài học nhớ đời!
* Đưa như thế nào?
Sau hơn một tháng xảy ra thông tin heo có chất tạo nạc, khi đã có thông tin cuối cùng từ phía cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa lại vấn đề này một cách đầy đủ hơn, giải tỏa bớt hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, giá heo tăng trở lại. Ở góc độ người cầm bút, có thể thấy, ngoài đưa tin trung thực, đầy đủ cần phải có định hướng đúng đắn và đo lường các hệ quả xảy ra sau những thông tin ấy. Ở vụ việc chất cấm tạo nạc, Báo Đồng Nai là cơ quan ngôn luận đầu tiên đưa tin về tình cảnh khốn đốn của người chăn nuôi chân chính do ảnh hưởng về chất tạo nạc và đưa ra những giải pháp nhận biết thịt có chất cấm để người dân yên tâm sử dụng thịt heo trở lại.
Một vụ việc khác, vào cuối năm 2011, khi giá điều trên thế giới xuống thấp, thị trường giảm sút và lượng hàng tồn kho của các DN chế biến điều cao. Sang đầu năm 2012, tồn kho của các DN ngành này lên đến đỉnh điểm, cộng thêm lãi suất ngân hàng cao khiến các DN chế biến hạt điều gặp khá nhiều khó khăn. Thời điểm này, báo chí tập trung liên tục thông tin về những khó khăn của DN chế biến điều, đang có nguy cơ đứng trước bờ vực đổ vỡ hàng loạt. Trước thông tin bất lợi này, các ngân hàng siết lại việc giải ngân vốn đã đẩy các DN này vào tình cảnh đường cùng. Hiệp hội điều Việt Nam phải kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ ưu đãi cho các nhà xuất khẩu điều để có vốn mua điều thô trước mùa vụ thu hoạch của nông dân. |
Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, khi phản ánh những vấn đề nhạy cảm, một số nhà báo còn khai thác thông tin theo cách giật gân, gây hiếu kỳ, thông tin nhiều khi bị tô đậm, chỉ một số trường hợp sai phạm bị đánh đồng khiến cả vùng, cả ngành phải gánh nạn. Cụ thể, việc đưa tin quá đà về vụ thịt heo có chứa chất tạo nạc đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và để lại hệ lụy lâu dài cho ngành chăn nuôi nói chung.
Ở khía cạnh khó khăn của ngành điều, việc đưa tin quá “đậm” dẫn đến hệ lụy gây bất lợi cho cả DN chế biến điều và nông dân trồng điều. Trong khi kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN rất “sợ” khi bị báo chí đưa thông tin một cách quá mức. Sự cân nhắc về liều lượng thông tin của báo chí là rất quan trọng trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay.
Một điểm chung của những xì-căng-đan trên, lợi ích của nông dân, của doanh nghiệp chưa được bảo vệ đúng mức. Tác hại của nó không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, đơn vị mà làm tổn hại chung cả nền kinh tế. Vấn đề đặt ra, việc đảm bảo tính chính xác của thông tin luôn phải ưu tiên trước yêu cầu không bỏ sót thông tin và đưa tin kịp thời. Với những thông tin “nhạy cảm”, nhà báo còn cần phải xem xét mức ảnh hưởng xã hội để có cách đưa tin phù hợp, không tạo ra sự hoảng loạn trong dư luận dẫn đến những phản ứng cực đoan, gây hệ lụy lâu dài.
Nhóm PV Kinh tế