Mỗi ngày trong tỉnh phát sinh gần 750 tấn chất thải. Nếu chất thải được phân loại tại nguồn sẽ giảm được ô nhiễm, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Mỗi ngày trong tỉnh phát sinh gần 750 tấn chất thải. Nếu chất thải được phân loại tại nguồn sẽ giảm được ô nhiễm, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Hiện nay, đa số chất thải ở Đồng Nai được thu gom đưa về xử lý tại các bãi rác tạm. Hình thức xử lý rác còn khá đơn sơ, chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp nên tốn rất nhiều đất và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tuy nhiên, nếu chất thải được phân loại tại nguồn sẽ bớt được nhiều diện tích đất chôn lấp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
* Vẫn còn thờ ơ
Việc phân loại rác tại nguồn ở nhiều nước trên thế giới đã được thực hiện cách đây vài chục năm. Thế nhưng, tại Việt Nam việc phân loại rác tại nguồn mới được nhắc đến cách đây 3-4 năm và hiện vẫn còn dưới dạng thí điểm ở một vài thành phố lớn.
Thu gom rác trên đường Võ Thị Sáu phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa. Ảnh: H. Giang |
Đồng Nai đã chọn làm thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 4 phường thuộc TP.Biên Hòa cách nay hơn 2 năm: Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng và Trung Dũng. Những hộ tham gia chương trình được tỉnh tập huấn và hỗ trợ bao ny-lông, thùng phân loại rác. Tuy đã hơn 2 năm thực hiện thí điểm, song đến nay số hộ có phân loại rác tại nguồn chỉ đạt trên 50%.
Đi dọc một số con hẻm của phường Thanh Bình, Quyết Thắng vào thời điểm xe đi lấy rác buổi chiều, chúng tôi thấy đa số các hộ bỏ chung rác vào một bịch, rất ít hộ phân loại đúng theo yêu cầu. Bà Tư, chủ tiệm hủ tíu ở khu phố 2, phường Quyết Thắng, nói: “Mấy năm trước, tôi được phát hai thùng nhựa để phân loại rác tại nguồn, nhưng thấy nhà để hai thùng rác hơi bất tiện nên tôi dồn tất cả rác vào một bịch ny-lông rồi bỏ ra trước nhà!”.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Võ Văn Chánh, hiện nay rác thải sinh hoạt của người dân chủ yếu là rác hữu cơ. Do đó, phân loại rác tại nguồn sẽ giảm được nhiều diện tích đất, tiền và công xử lý rác để chôn lấp. Rác được phân loại có thể tận dụng rác hữu cơ làm phân bón vi sinh, vừa giảm được ô nhiễm vừa có lượng phân bón lớn cho cây trồng. |
Anh Cường, cũng ở KP2, là một trong số ít hộ chúng tôi gặp có phân loại rác tại nguồn, nói: “Gia đình tôi hưởng ứng việc phân loại rác từ khi phường phát động. Làm riết là quen, thấy cũng đơn giản và dễ làm. Nhưng không hiểu sao trong khu phố nhiều hộ vẫn còn ngần ngại không thực hiện?”.
Theo chị Ngô Thị Kim Thanh, một công nhân chuyên thu gom rác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn qua các phường đang làm thí điểm phân loại rác tại nguồn, thì tỷ lệ người dân tự phân loại rác rất ít, đa số vẫn bỏ chung rác vào một bịch.
* Kiên trì làm cho được
Việc thí điểm phân loại rác tại nguồn hiệu quả mang lại còn thấp, nhưng UBND tỉnh vẫn tiếp tục triển khai tiếp tại các huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa. Trong năm 2012, tỉnh phân bổ gần 9 tỷ đồng để các địa phương làm điểm tại một số địa bàn dân cư, sau đó từng bước nhân rộng ra khắp tỉnh.
Lượng rác vô cơ rất ít vì đa số người dân ở 4 phường điểm của TP. Biên Hòa vẫn bỏ chung vào rác hữu cơ. Ảnh: H. Giang |
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, nhận định: “Phân loại rác tại nguồn là việc không dễ vì phải thay đổi thói quen lâu đời của người dân. Song dù khó khăn và chậm đến đâu, các địa phương cũng sẽ phải làm. Vì không phân loại rác tại nguồn thì sẽ không quản lý được ô nhiễm. Bước đầu thực hiện, tỉnh chưa mong đạt được kết quả nhiều, chỉ nhằm từng bước thay đổi tập quán của người dân góp phần bảo vệ môi trường”.
Xác định đây là công việc lâu dài và không dễ, các huyện, thị, thành đều thống nhất sau khi đồng loạt triển khai thí điểm khoảng 3 tháng tại một số khu dân cư sẽ tổng kết chương trình, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng ra các ấp, khu phố khác. “Để việc phân loại rác tại nguồn đi vào quy củ như hiện nay, nước Nhật phải mất vài chục năm làm công tác vận động, tuyên truyền” - ông Chánh nói.
Ghé thăm một số hộ ở các phường: Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng và Trung Dũng, chúng tôi thấy phần lớn thùng rác được cấp để phân loại rác tại nguồn cách đây hơn 2 năm đã được họ sử dụng vào mục đích khác hoặc bỏ đi không sử dụng. Khi được hỏi đa số đều nói phân loại rác không khó, song chưa thay đổi được thói quen. Chính vì thói quen không chịu thay đổi của nhiều hộ gia đình nên việc phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả chưa cao. |
Chỉ làm một phép tính đơn giản, lượng rác sinh hoạt trong tỉnh gần 750 tấn/ngày, như vậy một năm xấp xỉ 270 ngàn tấn và số lượng này mỗi năm đều gia tăng. Nếu rác chủ yếu đem chôn lấp thì chỉ vài chục năm sau tỉnh sẽ hết đất để chôn. Chưa kể với lượng rác khổng lồ như trên chôn xuống lòng đất sẽ gây ô nhiễm rất lớn cho đất, nguồn nước ngầm. Ô nhiễm môi trường đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm cho hậu quả của nó trở nên khắc nghiệt hơn.
Hương Giang