Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngược xuôi với bàn ghế gỗ

09:06, 03/06/2012

Đến nay, bà Nguyễn Thị Đức, chủ Cơ sở mộc Minh Trí ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa đã có  gần 50 năm gắn bó với nghề sản xuất - kinh doanh hàng mộc. Mùi gỗ, mùi verni đã ăn sâu vào tâm thức của bà không biết từ bao giờ. Từ những năm 1990, sản phẩm bàn, ghế do cơ sở của bà sản xuất đã xuôi ngược từ Nam ra Bắc, bán rất chạy.

Đến nay, bà Nguyễn Thị Đức, chủ Cơ sở mộc Minh Trí ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa đã có  gần 50 năm gắn bó với nghề sản xuất - kinh doanh hàng mộc. Mùi gỗ, mùi verni đã ăn sâu vào tâm thức của bà không biết từ bao giờ. Từ những năm 1990, sản phẩm bàn, ghế do cơ sở của bà sản xuất đã xuôi ngược từ Nam ra Bắc, bán rất chạy.

Chỉ cần nhìn vào một mẫu tủ hay bộ bàn ghế nào đó, bà Đức có thể xác định ngay là sản phẩm được làm ra vào thời gian và thuộc vùng nào. Sở dĩ, bà nhận dạng khá dễ dàng như vậy bởi mới 12 tuổi đã phụ giúp gia đình bán đồ mộc, rồi gần 15 năm rong ruổi khắp nơi buôn bán hàng mộc nội thất (bàn, ghế, giường, tủ) cũ.

* Từ đi buôn đồ cũ...

Mỗi khi nghĩ lại, bà Đức thấy giật mình về những nơi mình đến. Sau ngày đất nước thống nhất, nhìn thấy thị trường buôn bán hàng mộc cũ khá sôi động, bà Đức từ sản xuất đã lấn sang kinh doanh. Bà tìm ra tận ngoài Huế, Đà Nẵng để gom hàng cũ vào TP.Hồ Chí Minh bán. Dấu chân của bà in khắp các tỉnh miền Trung rồi xuôi đến những tỉnh miền Tây Nam bộ. “Thời gian đó, thị trường hàng mộc cũ sôi động lắm. Tôi mở hẳn một cửa hàng ở khu Bảy Hiền, nay thuộc quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh  để bán đồ cũ. Có nhiều bộ bình phong, bàn, tủ bằng gỗ gõ được chạm trổ, khảm rất cầu kỳ, nếu giữ đến bây giờ thì bán khá nhiều tiền, còn lúc đó giá cũng không bao nhiêu” - bà Đức tâm sự. 

Bà Nguyễn Thị Đức bên chiếc tủ cánh sen chân thuyền được đóng năm 1960.           Ảnh: V. NAM
Bà Nguyễn Thị Đức bên chiếc tủ cánh sen chân thuyền được đóng năm 1960. Ảnh: V. NAM

Ngày ấy, việc vận chuyển hàng cũng khá vất vả, kho hàng của bà ở Biên Hòa, còn cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh toàn bộ  chuyên chở bằng xe ba gác đạp. Việc buôn bán ấy kéo dài tới năm 1990,  khi thị trường đồ cũ không còn nhộn nhịp nữa, bà mới rút khỏi TP.Hồ Chí Minh về TP.Biên Hòa làm ăn. Sau một thời gian dài buôn bán đồ cũ, đến nay cửa hàng của bà còn giữ lại được 2 chiếc tủ bằng gỗ gõ đóng từ năm 1929 (tủ áo kiểu Pháp) và một chiếc tủ cánh sen chân thuyền đóng năm 1960. 

* ... Đến  tìm mẫu mới

Cửa hàng trưng bày đồ gỗ của Cơ sở Minh Trí trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP. Biên Hòa có mẫu mã hàng khá phong phú. Ở đây, toàn bộ là sản phẩm cao cấp được đóng bằng gỗ căm xe, cẩm lai, gõ. Mỗi bộ bàn ghế có giá từ 30 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Bà Đức cho biết, mấy năm gần đây kinh tế khó khăn nhưng cơ sở vẫn giữ được hoạt động ổn định nhờ có nhiều lợi thế, như: mặt bằng sản xuất cũng như cửa hàng trưng bày không phải đi thuê; phương tiện vận chuyển gỗ nguyên liệu và sản phẩm cho khách hàng được chủ động; thợ sản xuất có tay nghề tốt và sử dụng nhiều công đoạn bằng máy nên hạ được giá thành sản phẩm. Khâu mẫu mã cũng được bà Đức rất chú ý. Mặc dù sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, nhưng bà vẫn sang tận Mỹ, châu Âu và Trung Quốc để tìm hiểu về mẫu mới.

Bà Đức nói: “Ở Mỹ và châu Âu, những sản phẩm thông thường được sản xuất đơn giản, nhưng những bộ bàn ghế cao cấp của họ làm rất cầu kỳ. Mặc dù họ có thay đổi mẫu mã mới nhưng vẫn mang được nét đặc trưng của Á Đông, đây là việc mình phải học”. Có lẽ chính nhờ vào việc chú ý đến mẫu mã mà rất nhiều sản phẩm bàn ghế của Cơ sở Minh Trí vào  những năm 1990 đã ngược ra Bắc khá thành công.

Cho đến nay, mặc dù tập trung vào sản xuất hàng, nhưng bà Đức vẫn tổ chức mua đồ mộc cũ hoặc trao đổi cho khách đến mua hàng. Theo bà, hoạt động này tạo điều kiện cho một số khách hàng có nhu cầu sắm đồ mới nhưng đồ cũ thì không biết để đâu. Những bộ bàn ghế cũ đó lại được bà giao cho bạn hàng đưa đi tiêu thụ...

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích