Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãi suất giảm, vốn vẫn ế

10:06, 04/06/2012

Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn Đồng Nai chỉ trên 4%. Nhiều chi nhánh ngân hàng (NH) cũng cho biết, tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, dù lãi suất (LS) cho vay đã giảm mạnh.

Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn Đồng Nai chỉ trên 4%. Nhiều chi nhánh ngân hàng (NH) cũng cho biết, tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, dù lãi suất (LS) cho vay đã giảm mạnh.

Cụ thể, trong 5 tháng qua, dư nợ bằng tiền đồng Việt Nam chỉ tăng gần 2,5% so với thời điểm đầu năm 2012, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ ngoại tệ cũng chỉ tăng 9,3% so với đầu năm, chưa bằng 1/2 so với 5 tháng đầu năm 2011.

* Lãi vay thấp vẫn thừa vốn

Qua khảo sát cho thấy, LS cho vay sản xuất - kinh doanh ở nhóm NH lớn, như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank… chỉ từ 13-15%/năm. Song, nhiều lãnh đạo chi nhánh tại Đồng Nai thừa nhận, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở giai đoạn này là hết sức khó khăn.

Cho vay cá nhân, tiêu dùng đang được nhiều ngân hàng nhắm tới. Ảnh: V. LÂM
Cho vay cá nhân, tiêu dùng đang được nhiều ngân hàng nhắm tới. Ảnh: V. LÂM

Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa, cho biết tình trạng cạnh tranh với nhau để tìm khách hàng ở giai đoạn này đã khá căng thẳng. Khách hàng ở đây là các DN tốt, làm ăn hiệu quả, cả trong nước lẫn nước ngoài. Tuy LS vay ở Vietcombank được đánh giá thuộc hàng thấp nhất đối với nhóm NH trong nước, nhưng theo ông Long, tình hình đã khó khăn đến mức các chi nhánh NH ở TP. Hồ Chí Minh cũng “đưa quân” xuống Đồng Nai mời khách, với nhiều ưu đãi và LS cạnh tranh. Bên cạnh đó là các chi nhánh NH nước ngoài, với lợi thế về nguồn vốn rẻ, một số NH đã giảm LS vay xuống chỉ còn 9%/năm. “LS đã hạ nhưng dư nợ vẫn không tăng. Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh chỉ tăng 5-7%, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng” - ông Long nói.

Theo một số NH khác, nguyên nhân khiến LS giảm mà vốn vẫn thừa trước hết và quan trọng nhất là nhu cầu vay vốn của các DN hiện nay không nhiều. Trên thị trường có khá nhiều mặt hàng đang trong tình trạng “đóng băng”, hàng tồn kho nhiều. Trong tháng 5, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho hàng công nghiệp vẫn cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, mục tiêu cấp bách của các DN là giải phóng hàng tồn kho, chưa phải tiếp tục sản xuất hoặc mua vào nhập kho.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thép Tiến Lên, nhận xét, đa phần DN không có nhu cầu vay thêm vốn ở thời điểm này vì tồn kho còn nhiều, hàng không bán được, phải giảm công suất sản xuất. Với các khoản vay đầu tư nhà xưởng, DN cũng không có “sức”, chưa kể  LS vay trung - dài hạn vẫn còn cao.

* Chuẩn cho vay cao?

Tình hình kinh tế khó khăn, “sức khỏe” DN đi xuống càng khiến NH e ngại khi thẩm định cho khách hàng vay vốn. Giám đốc một chi nhánh NH khá lớn tại Đồng Nai thừa nhận, LS càng xuống, tình hình càng khó khăn thì tiêu chuẩn cho vay càng khó, do sợ nợ xấu nên không NH nào dám nới các tiêu chuẩn vay.

Nhắm tới cho vay cá nhân

Hiện tại, ngoài ưu tiên vốn cho vay sản xuất - kinh doanh, hàng loạt NH trong nước lẫn chi nhánh NH nước ngoài đang có các chương trình cho vay cá nhân, hướng đến khách hàng thu nhập ổn định và có khả năng trả nợ. LS vay ở nhóm này hiện chỉ còn từ 13-15,5%/năm. Đi đầu là HSBC cho vay tiêu dùng với LS khoảng 15%/năm. Ngay sau đó, Vietcombank với LS 13-14%/năm. Còn Ngân hàng Á Châu (ACB) thì áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất đến 15,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản (tùy theo thời hạn, số tiền vay và sản phẩm tín dụng). Ngân hàng Quốc tế (VIB) thì dành 1 ngàn tỷ đồng để cho vay trong lĩnh vực bất động sản (mua, xây dựng, sửa chữa nhà) với lãi suất 14,2%/năm trong 3 tháng đầu với hạn mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay tối đa là 180 tháng.

K.N

Do vậy, việc các NH nới lỏng điều kiện cho vay hoặc nhận thế chấp bằng hàng tồn kho khó khả thi. Bởi, có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm tăng nợ xấu, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng không thu hồi được vốn vay của các NH. Điều này gây nên tình trạng, với các DN tốt thì NH “vây quanh”, còn các DN thiếu chuẩn thì dù cần vốn, cũng khó tiếp cận.

Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai, cho rằng huy động vốn hiện không khó, nhưng cho vay rất khó dù bản thân NH nào cũng muốn cho vay. “Nhiều DN hiện hoạt động rất yếu, do vậy LS giảm cũng không giúp ích được nhiều bởi khả năng hấp thụ vốn của nhiều DN không còn. Nghịch lý đang tồn tại nhưng chưa thể giải quyết vì DN đủ điều kiện thì không muốn vay, còn DN muốn vay “bằng mọi giá” thì NH phải né. Bên cạnh đó, nhiều NH cũng đang cơ cấu lại nợ, tìm cách nâng cao chất lượng các khoản nợ, vì vậy các điều kiện vay càng chặt chẽ hơn” - ông Trinh nói.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều