Ông có giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn và đam mê gieo hạt, ươm mầm, nhân giống cây điều cao sản, giúp cho nhiều hộ nông dân giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Đó là niềm vui hằng ngày của ông Hoàng Văn Minh, một nông dân thứ thiệt, nhưng có nhiều tố chất của một “kỹ sư” nông nghiệp.
Ông có giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn và đam mê gieo hạt, ươm mầm, nhân giống cây điều cao sản, giúp cho nhiều hộ nông dân giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Đó là niềm vui hằng ngày của ông Hoàng Văn Minh, một nông dân thứ thiệt, nhưng có nhiều tố chất của một “kỹ sư” nông nghiệp.
* “Kỹ sư” tự học
Theo chân mấy người bạn, chúng tôi tìm đến vườm ươm cây giống nhà ông Minh ở ấp 5, xã An Viễn, huyện Trảng Bom khi ông đang hướng dẫn cho những người đến mua giống cây điều cao sản MH4/5 về trồng đúng kỹ thuật, đạt chất lượng và đảm bảo không bị sâu, rầy, nấm bám vào cây trong mùa mưa này.
Ông Hoàng Văn Minh (bên trái) đang giới thiệu kỹ thuật trồng điều. |
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu, ông vui vẻ nói: “Mấy ngày nay, miền Đông Nam bộ tiết trời dịu xuống, những cơn mưa liên tục và nhiều hơn, độ ẩm tăng mạnh. Người làm vườn ươm giống điều cao sản như chúng tôi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho nông dân. Không lo làm sao được khi mỗi gia đình nơi đây bước vào mùa vụ đã phải bỏ ra cả hàng chục triệu đồng mua phân bón, cây giống điều cao sản về trồng”.
Sinh ra trên quê hương Thanh Long, Thanh Chương (Nghệ An), bản tính hiếu học và hay làm, đã giúp ông vươn lên từ gian khó. Dù đã rất cố gắng nhưng cái đói nghèo vẫn đeo bám. Trong khốn khó, năm 1974 mẹ ông đột ngột qua đời khi mới gần tuổi 40. Người cha (nay đã 95 tuổi) ở vậy nuôi con, trong khi người em trai lại bị bệnh động kinh, đau bệnh thất thường và không tự chủ được bản thân. Thương cha, thương em, học hết phổ thông, ông Minh rời quê hương đi tìm việc phù hợp cho mình. Nhưng “đi đến đâu, công việc nào cũng cần phải có kiến thức, nếu không có kiến thức, kinh nghiệm gì trong tay thì cũng chẳng làm được việc gì” - ông Minh bộc bạch.
Vùng đất Tây Nguyên vào những năm 1980 còn khá hoang sơ, bạt ngàn rừng xanh làm ông mê mẩn. Với khát khao tuổi trẻ, ông Minh xin vào phụ việc ở Viện Nghiên cứu cây giống cà phê EaKmát (nay thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - Đắk Lắk). Ban đầu chỉ là chân chạy việc: nạo vét và cho đất vào bầu, chăm tưới cho cây rồi tự tay tập cắt cành, thực hành chiết ghép, pha chế thuốc… cũng cho ông nhiều kinh nghiệm. Qua đó, ông tìm cách thực nghiệm cắt cành, lấy những đoạn khỏe, dễ nảy mầm, có thể phát triển, đem ngâm vào dung dịch với một liều lượng nhất định… Sau nhiều lần kỳ công, những cây chiết ghép đã bắt đầu nhú mầm, được đem ra thử nghiệm và sau mấy năm đều cho trái nhiều hơn so với những cây không được chiết ghép.
Trong quá trình giúp việc nơi đây, ông Minh tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, nhất là sự hiểu biết về chất đất, khí hậu thời tiết và cả những thuận lợi, khó khăn trong quá trình canh tác.
* Mất ăn mất ngủ vì cây giống
Là người trồng cây, ươm giống lâu năm, ông Minh thường lui tới thăm nương rẫy cùng bà con, nghiên cứu từng cây, tìm hiểu từng vùng đất, khả năng và mức độ chịu đựng của mỗi loại giống cây điều. Đặc biệt, giống điều cao sản MH4/5 do ông nghiên cứu thành công, được chứng nhận bản quyền và đưa vào sử dụng rộng rãi trong khu vực. Ông chủ động hỏi thăm cách thức chăm sóc, về năng suất, sản lượng của từng hộ để có hướng dẫn đạt hiệu quả nhất. Nhiều hộ nông dân ở xã An Viễn, xã Đồi 61 và nhiều hộ dân quanh vùng của huyện Trảng Bom trồng điều nơi đây coi ông như là “kỹ sư” nông nghiệp thứ thiệt, luôn cần ông tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn điều.
Đầu tháng 4 năm nay, cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực Đông Nam bộ, hoàn lưu bão quét qua và làm những vườn điều nhiều năm tuổi của bà con bị bật gốc, đổ ngổn ngang, nên hiện thời bà con phải tiếp tục mua cây giống về dặm vá và trồng mới. Thế nên, với những người ươm giống như ông Minh, ngoài việc cung ứng giống cho bà con, còn phải thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, sâu bệnh. Ông chủ động khuyến cáo bà con khi thời tiết mưa lớn, độ ẩm cao, phát sinh bệnh nấm hồng, một loại bệnh chủ yếu bám vào thân cây điều vào mùa này để làm hỏng vỏ cây, vàng lá, kiệt sức và không thể ra hoa, đậu quả vào niên vụ sau, nếu không kịp thời phát quang, dọn vệ sinh, chặt phát, đốt cây cỏ và xịt thuốc cẩn thận, rất dễ lây lan nhanh, làm ảnh hưởng năng suất mùa vụ.
Khi chúng tôi muốn biết thêm về giống điều MH4/5 do ông nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trồng rộng rãi trong khu vực, ông Minh cho biết: đây là giống được ươm mầm và chiết ghép từ cây điều thường với giống EK24 của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, rất phù hợp với chất đất xám, đất hoang hóa, đất kém dinh dưỡng… Bình thường, với những giống cây cũ không chiết ghép, chỉ cho năng suất vài tạ/hécta, nhưng với giống điều mới cao sản mà ông chiết ghép, lai tạo thành công từ năm 1999-2003 và đến nay được phổ biến rộng rãi, bình quân mỗi hécta đạt từ 3-3,5 tấn, chất lượng hạt đảm bảo, được Công ty Donafoods đánh giá cao. Riêng năm nay do thời tiết không thuận, trước Tết Nguyên đán mưa nhiều cộng với bị ảnh hưởng bởi bão số 1 nên năng suất giảm đáng kể.
Gần 20 năm qua, cho dù diện tích đất đã bị thu hẹp, ông Minh vẫn đầu tư ươm cây giống điều cao sản cho bà con trong vùng, tham gia vào câu lạc bộ khuyến nông để tư vấn kỹ thuật giúp bà con.
Nguyễn Minh Đức