Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì các điểm kinh doanh phế liệu

09:06, 27/06/2012

Cứ xảy ra mưa lớn, những người dân sống gần các điểm kinh doanh phế liệu ở TP.Biên Hòa và các huyện, thị xã lại khốn khổ vì mùi hôi và nước rác tràn ra. Có những nơi người dân phải chịu đựng sự ô nhiễm này trong nhiều năm qua.

 

Cứ xảy ra mưa lớn, những người dân sống gần các điểm kinh doanh phế liệu ở TP.Biên Hòa và các huyện, thị xã lại khốn khổ vì mùi hôi và nước rác tràn ra. Có những nơi người dân phải chịu đựng sự ô nhiễm này trong nhiều năm qua.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 điểm kinh doanh phế liệu. Trong đó, tập trung ở huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành và TP. Biên Hòa. Các điểm kinh doanh phế liệu mua tất cả các loại rác có thể tái chế, kể cả các loại rác độc hại.

* Cấm vẫn kinh doanh

Nhiều năm nay, TP. Biên Hòa đã cấm không cho mở các điểm tái chế, kinh doanh buôn bán phế liệu trên địa bàn. Thế nhưng, các điểm mua bán phế liệu vẫn mọc lên nhan nhản ở khắp nơi. Dạo qua một số phường, xã, như: Tân Hiệp, Long Bình, Tân Mai, Hóa An…, chúng tôi vẫn bắt gặp hàng chục điểm kinh doanh, buôn bán phế liệu. Rác thải được tập trung về các điểm này đủ các loại, trong đó có cả rác thải nguy hại, như: đế dày, dép cao su còn dính đầy keo, thùng đựng keo, các loại da thừa từ làm giày còn lẫn keo bốc mùi hôi nồng nặc. Theo các hộ dân sống gần các điểm kinh doanh phế liệu, ngày nắng thì mùi hôi bốc lên khê đặc, còn ngày mưa nước rác tràn ra đường, tràn cả vào nhà những hộ sống gần đó và ngấm cả xuống giếng nước.

Một điểm kinh doanh phế liệu trên đường Trương Định, KP2, phường Tân Mai (TP. Biên Hòa). Ảnh: H. Giang
Một điểm kinh doanh phế liệu trên đường Trương Định, KP2, phường Tân Mai (TP. Biên Hòa). Ảnh: H. Giang

Ông Nguyễn Thanh Hương ở tổ 6, KP3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), bức xúc: “Hơn 2 năm nay, gia đình tôi phải chịu cảnh hôi thối do rác từ điểm chứa phế liệu ngay cạnh nhà bay vào. Khổ nhất là những ngày có mưa lớn, nước rỉ rác tràn ra đường rồi chảy vào nhà gây ô nhiễm nặng nề. Người lớn, trẻ con thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp”.

Bức xúc của ông Hương cũng là nỗi niềm của hầu hết các hộ sống gần các điểm kinh doanh phế liệu ở TP.Biên Hòa cũng như các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, rác tại các điểm kinh doanh phế liệu có lẫn cả các loại rác độc hại nên khi gặp mưa nước rỉ rác tràn ra đường ngấm xuống đất, chảy ra các sông, suối gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước mặt và nước ngầm, đồng thời ruồi, muỗi cũng xuất hiện nhiều hơn.

* Bao giờ mới dẹp?

Hiện việc quản lý các điểm kinh doanh phế liệu ở TP. Biên Hòa và các huyện, thị trong tỉnh còn lỏng lẻo nên các điểm kinh doanh phế liệu vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp việc người dân thường xuyên kiến nghị tình trạng ô nhiễm.

Chủ một điểm kinh doanh phế liệu tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) cho biết, việc kinh doanh của hộ này đã được hơn 1 năm nhưng chưa hề bị kiểm tra, nhắc nhở. Đa số chủ các cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu là dân từ nơi khác đến thuê mặt bằng để kinh doanh. Trong đó, rất nhiều cơ sở không đăng ký kinh doanh, do đó cũng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều điểm kinh doanh phế liệu sau một thời gian hoạt động gây ô nhiễm thường bị những hộ dân phản ứng, báo về chính quyền địa phương, thế nhưng họ vẫn ngang nhiên hoạt động . Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và môi trường các huyện đều thừa nhận, việc quản lý các điểm kinh doanh phế liệu trên địa bàn chưa được chặt chẽ nên vẫn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm khiến các hộ dân sống gần rất bức xúc.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết: “Hầu hết các điểm kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh đều gây ô nhiễm. Tới đây, Sở sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các điểm kinh doanh phế liệu. Với những điểm không được cấp phép, không có chức năng xử lý chất thải sẽ buộc phải đóng cửa. Đối với những cơ sở được cấp phép nhưng không phù hợp với quy hoạch cũng bắt buộc phải di dời”.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
công ty Thu mua phế liệu Việt Đức Thu mua phế liệu Tân Bình Bảo MinhBộ sưu tập Chivas Regal chính hãngThu mua phế liệu Bến Tre giá cao