Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt khó ra “mặt tiền”

10:06, 24/06/2012

Tỷ lệ hàng Việt ngày càng được nâng cao trong cơ cấu hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng… Tuy nhiên, một thực tế khi quan sát cách trưng bày hàng hóa có thể thấy, hàng hóa “thuần Việt” vẫn chưa thể “bon chen” ra mặt tiền, trừ một vài thương hiệu mạnh.

Tỷ lệ hàng Việt ngày càng được nâng cao trong cơ cấu hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng… Tuy nhiên, một thực tế khi quan sát cách trưng bày hàng hóa có thể thấy, hàng hóa “thuần Việt” vẫn chưa thể “bon chen” ra mặt tiền, trừ một vài thương hiệu mạnh.

Nhiều người bán hàng cho biết, một trong những động cơ thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chính là cách trưng bày hàng hóa. Khi một món hàng đã hàm chứa được các ưu điểm: tốt, mẫu mã đẹp, quảng cáo mạnh… và được trưng bày ở các vị trí bắt mắt, người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn chúng.

* Trưng bày phải trả phí

Nắm bắt được đặc điểm này, nhiều nhà sản xuất lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia với hệ thống phân phối hoàn hảo đã nhanh chóng “đăng ký” hầu hết các vị trí trưng bày tốt nhất ở các cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Thủy, một nhà phân phối hàng tiêu dùng khá lớn trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) nhận xét: “Vị trí trưng bày sản phẩm được các tập đoàn đa quốc gia chú ý rất kỹ. Hiện tại, chỗ trưng bày tốt nhất thuộc về các hãng sữa ngoại, sau đó là các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm của những tập đoàn lớn, như: Unilever, P&G, Unza, Massan, Acecook...”.

Nhãn hàng Vinamilk là một trong số ít nhà sản xuất Việt Nam có được vị trí trưng bày tốt.  Trong ảnh: Kệ trưng bày các sản phẩm sữa Vinamilk tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Biên Hòa).
Nhãn hàng Vinamilk là một trong số ít nhà sản xuất Việt Nam có được vị trí trưng bày tốt. Trong ảnh: Kệ trưng bày các sản phẩm sữa Vinamilk tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Biên Hòa).

Theo đó, các hãng sản xuất trả tiền hàng tháng cho hoạt động trưng bày tại các cửa hàng một cách đều đặn và cạnh tranh với nhau thường xuyên. Một chủ cửa hàng chuyên bán sữa và thực phẩm tại chợ Biên Hòa cho biết, tùy theo vị trí, số lượng hàng trưng bày mà nhà sản xuất có thể “chi” cho tiểu thương từ 300 ngàn đến vài triệu đồng/tháng tùy số lượng, chủng loại, diện tích… trưng bày, ngoài tiền lãi từ doanh số bán hàng.

Tại các siêu thị, tình hình cũng không mấy khá hơn khi những vị trí đắc địa nhất cũng do các thương hiệu ngoại án ngữ. Nhiều siêu thị công bố tỷ lệ hàng Việt hiện tại lên đến trên 90%, tuy nhiên đó là dạng hàng Việt hiểu theo “nghĩa rộng”, tức là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu nước ngoài, còn các thương hiệu “thuần Việt” hiện vẫn chưa thể vươn ra “mặt tiền” nhiều. Quan sát chung có thể thấy chỉ một số thương hiệu Việt lớn mạnh, như: Vinamilk, Kinh Đô, Vissan, Bibica… còn lại đa số vẫn là hàng của các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, phủ mặt tiền từ hóa mỹ phẩm đến thực phẩm, hàng tiêu dùng.

* Khó chen chân

Phó tổng giám đốc một công ty cổ phần lớn chuyên sản xuất bánh kẹo có nhà máy đặt tại TP.Biên Hòa cho biết, hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thực phẩm không có nhiều kinh phí cho các hoạt động truyền thông, quảng cáo, bán hàng, trừ vài DN lớn. “Trong khi nhiều DN lớn của nước ngoài chi tiêu từ 20-40% tính trên giá bán hàng cho các hoạt động quảng cáo, bán hàng, trưng bày hàng hóa, chăm sóc các đại lý bán lẻ… thì nhiều DN Việt Nam, kể cả DN có thương hiệu, hầu hết chỉ có thể dành 5-10% cho các hoạt động này” - Phó tổng giám đốc này nói.

Thực tế, ở nhiều DN nhỏ, việc bán hàng còn theo phương thức “tự thân vận động”, chỉ cần đại lý chịu nhận ký gửi là đã mừng, không lấy đâu ra kinh phí để chăm sóc các hoạt động trưng bày.

Một lý do khác làm một số nhà sản xuất trong nước e dè khi nghĩ đến chuyện chi tiền cho hoạt động này là nếu muốn có hiệu quả, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ khâu thiết lập hệ thống phân phối, tiếp thị, quảng cáo, hỗ trợ bán hàng, kiểm soát… chứ không thể chỉ đầu tư cho một khâu riêng lẻ nào cả. Chính vì vậy, muốn ra được “mặt tiền” của các sạp hàng, các nhà sản xuất trong nước còn phải nỗ lực nhiều, ngoài chuyện tiền nong.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều