Kinh tế gặp nhiều khó khăn, hiện nay hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) loay hoay không biết làm thế nào để đẩy mạnh việc bán hàng, trong khi đó có những thị trường lại bỏ trống.
Kinh tế gặp nhiều khó khăn, hiện nay hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) loay hoay không biết làm thế nào để đẩy mạnh việc bán hàng, trong khi đó có những thị trường lại bỏ trống.
Chợ truyền thống là nơi có lượng hàng bán ra khá mạnh, thế nhưng những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) xuất hiện ở đây khá ít. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mảnh đất khá màu mỡ nhưng các DN sản xuất HVNCLC lại dửng dưng.
* Vắng hàng Việt chất lượng cao
Tại buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh bán hàng và giải phóng hàng tồn” tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua do Hội DN HVNCLC tổ chức, anh Hồ Minh Chính, Giám đốc Trung tâm đào tạo bán hàng K.A.S, cho biết qua nhiều lần khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành khác đã có kết quả khá bất ngờ, hàng của DN Việt Nam sản xuất có nhãn mác tên tuổi chiếm chưa đến 40%, số 60% còn lại là hàng không rõ nguồn gốc và hàng Trung Quốc. “Theo khảo sát của chúng tôi, những chợ truyền thống ở các tỉnh càng xa TP.Hồ Chí Minh thì lượng hàng không rõ nguồn gốc càng nhiều. Các tiểu thương cho biết: không phải họ không muốn bán hàng Việt mà không biết lấy ở đâu để bán. Tiểu thương họ cũng chán hàng Trung Quốc và hàng không rõ nguồn gốc lắm. Tôi nghĩ, nếu các DN sản xuất HVNCLC chỉ cần giành được thị phần này ở các chợ truyền thống thì lượng hàng tiêu thụ cũng đáng kể” - anh Chính chia sẻ.
Các sản phẩm mới của Công ty Casumina giới thiệu ở hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011 được tổ chức tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V. Nam |
Cùng quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho hay, qua chương trình “tiếp sức hàng Việt - đồng hành cùng tiểu thương chợ truyền thống” đã thấy khá rõ là hàng Việt ở các chợ còn khá thưa thớt. Ngay cả những chợ đầu mối lớn như chợ Đồng Xuân - Hà Nội cũng toàn là hàng Trung Quốc. Các chợ ở miền Trung và miền Nam hàng trôi nổi chiếm rất lớn. Lý do mà các tiểu thương ở chợ truyền thống chưa mặn mà với hàng Việt là còn khá nhiều ràng buộc với các nhà sản xuất, như: phải có hóa đơn tài chính, thủ tục hợp đồng, thanh toán tiền hàng thiếu linh hoạt..., trong khi bán hàng trôi nổi không vướng phải những vấn đề đó.
* Thay đổi cách bán hàng
Theo giới kinh doanh, những lý do chính khiến tiểu thương thích chọn bán hàng không rõ nguồn gốc và đặc biệt hàng Trung Quốc là: lợi nhuận tốt, mẫu mã nhanh thay đổi và giá linh động. Ngoài ra còn những lý do tiện lợi khác như hàng được giao tận nơi thay vì phải đi lấy. Đây cũng là việc mà các DN sản xuất hàng Việt cần nhìn lại nếu muốn tiến vào chợ truyền thống. Trên thực tế, thời gian gần đây tiểu thương cũng muốn bán hàng Việt nhiều hơn, bởi hàng Trung Quốc không rõ xuất xứ hiện nay đang bị người tiêu dùng tẩy chay ở một số ngành, như: hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đồ may mặc.
Anh Hồ Minh Chính, Giám đốc Trung tâm đào tạo bán hàng K.A.S: Chọn nông thôn làm đột phá về thị trường Để cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm với các công ty đa quốc gia thì DN Việt nên sử dụng phương án lấy nông thôn bao vây thành thị. Tức là đẩy mạnh việc bán hàng ở nông thôn để chiếm giữ được thị phần thay vì chỉ tập trung mạnh ở các đô thị như hiện nay. Các công ty đa quốc gia có tiềm lực mạnh, có hệ thống bán hàng chuyên nghiệp và truyền thông rất tốt nên họ chọn biện pháp đi từ thành thị rồi mở dần ra nông thôn là hiệu quả, còn DN của chúng ta nên đi ngược lại. Tôi thấy nhiều DN Việt Nam đã áp dụng biện pháp này khá thành công. |
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, tiểu thương các chợ truyền thống luôn than phiền là DN Việt Nam không đưa hàng tới chợ và luôn có suy nghĩ người bán phải đi lấy hàng. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia, DN Trung Quốc lâu nay đã tạo ra một thói quen là hàng được mang đến tận nơi. Bà Vũ Kim Hạnh cũng đưa ra minh chứng, khi bà về Cà Mau đến một chợ truyền thống thấy sạp hàng trưng bày sản phẩm của một công ty đa quốc gia khá bắt mắt, hỏi ra mới hay công ty không chỉ đưa hàng tới tận nơi mà còn cử nhân viên của họ xuống trưng bày giúp chủ sạp.
Theo nhiều chuyên gia, các DN Việt Nam muốn tiến sâu vào chợ truyền thống cần phải “bắt tay” nhau để cùng bán hàng vào đây và có chương trình truyền thông chợ tốt hơn. DN cũng cần hỗ trợ cho tiểu thương các hoạt động như khuyến mãi, cách chăm sóc khách hàng khi đó các chủ sạp ở chợ sẽ tin tưởng và cố gắng hơn trong việc tiêu thụ hàng. Phân tích của Trung tâm đào tạo bán hàng K.A.S thì chợ truyền thống chiếm 70% người tiêu dùng ở phân khúc bình dân nên sức tiêu thụ hàng khá mạnh.
Với độ bao phủ rộng và thông tin của tiểu thương rất nhanh đến với người tiêu dùng thì chợ truyền thống đang là cơ hội tốt để hàng Việt chiếm lấy thị trường.
Vân Nam