Chuyện hàng tồn, hàng ế của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và bán hàng trong nước dường như mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Không hiếm DN phải xoay xở đủ cách để đẩy bớt lượng hàng ế sau nhiều tháng không tiêu thụ được. Sản xuất cũng co cụm, chỉ giúp DN “sống” qua ngày.
Chuyện hàng tồn, hàng ế của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và bán hàng trong nước dường như mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Không hiếm DN phải xoay xở đủ cách để đẩy bớt lượng hàng ế sau nhiều tháng không tiêu thụ được. Sản xuất cũng co cụm, chỉ giúp DN “sống” qua ngày.
Hàng loạt các mặt hàng đang ở trong tình trạng sức mua giảm mạnh: điện máy, xe cộ, vật liệu xây dựng, may mặc… Nhiều DN cho rằng, chưa bao giờ như trong mấy năm gần đây, bán hàng lại khó đến thế.
* Sức mua giảm, chi phí tăng
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thép Tiến Lên (TP. Biên Hòa), cho rằng chuyện hàng khó bán đã diễn ra từ năm ngoái, nhưng đầu năm 2012 đến nay, thị trường còn giảm sút trầm trọng hơn. Theo đó, đầu năm 2012, mỗi tháng lượng thép DN tiêu thụ khoảng 10 ngàn tấn, song đến tháng 5 đã giảm xuống còn 7 ngàn tấn và chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi chi phí sản xuất không giảm, thậm chí còn tăng.
Sản xuất nhôm ở doanh nghiệp Đức Tài. |
Tương tự, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (thương hiệu Miti), cũng cho biết, ở các dòng túi xách, vali thời trang, sức mua đã giảm 30% so với năm ngoái, nhưng chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, nguyên liệu sản xuất… đều tăng. Công ty phải đóng cửa một số điểm bán có chi phí mặt bằng quá cao, doanh thu không “kham” nổi.
Ông Vũ Văn Công, Giám đốc DN tư nhân Toàn Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm bằng vật liệu composite ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, DN gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mặt hàng chủ lực của DN là các bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi bằng chất liệu composite. Vật liệu composite được tổng hợp từ sợi thủy tinh, sợi carbon và liên kết bằng nhựa polysite có độ bền cao. Giá mỗi chiếc bể của DN sản xuất hiện nay bán ra so với đầu năm 2011 không tăng, mặc dù giá vật liệu tăng khá nhiều. Cụ thể, giá sợi thủy tinh là nguyên liệu chính dùng để sản xuất sản phẩm nhựa composite từ đầu năm đến nay đã tăng 5 ngàn đồng/kg so với giữa năm 2011.
Mặc dù DN không dám tăng giá bán thành phẩm, nhưng sản phẩm của Toàn Thành rất khó tiêu thụ do kinh tế khó khăn, người chăn nuôi chọn phương án xây bể biogas bằng gạch để tiết kiệm. Ông Công nói: “Mỗi chiếc bể biogas bằng composite có giá từ 9 - 13 triệu đồng, trong khi bể xây chỉ tốn từ 6 - 9 triệu đồng/chiếc. So ra độ bền và tiện dụng thì bể xây không thể bằng bể composite, nhưng do khó khăn nên các trại vẫn chọn việc xây để giảm chi phí. Năm 2011, mỗi tháng trung bình DN của tôi lắp đặt khoảng 15 chiếc bể, sang năm nay chỉ được khoảng 5 chiếc mỗi tháng, giảm 2/3 so với năm ngoái”.
* Giảm công suất, tìm cách bán hàng
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, hiện tại, công suất nhà máy đã giảm xuống thấp chưa từng có, chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Theo đó, đây là một trong những cách tốt nhất để DN tồn tại, bởi càng sản xuất nhiều càng lỗ. Đối với hàng hóa, mặt hàng nào tồn, sức mua quá chậm, DN phải giảm giá từ 5-15% so với bình thường, thậm chí nhiều mặt hàng phải bán dưới giá thành để tránh hàng tồn kho chất đống.
Ông Nguyễn Trí Kiên cũng cho biết, bán giảm giá là một trong những cách tốt nhất mà DN có thể làm hiện nay. Nhiều mặt hàng của DN đã phải giảm giá đến 30% so với bình thường, cộng thêm nhiều chương trình khuyến mãi và kích thích bán hàng khác. Điều này cũng giúp cải thiện phần nào sức mua, giúp DN trang trải chi phí. Mặt khác, phải rà soát lại các điểm bán hàng, thay đổi cơ cấu hàng hóa để các đại lý hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí.
Để kích thích người tiêu dùng, DN Toàn Thành cũng phải sử dụng cả “chiêu” khuyến mãi là tặng bếp gas cho khách hàng để mong tăng được lượng tiêu thụ sản phẩm. Cũng trong lĩnh vực kinh doanh bể biogas bằng composite, anh Nguyễn Ngọc Cẩm, Giám đốc doanh nghiệp Cẩm Tuân ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho rằng, các DN chọn cách giảm tối đa chi phí, không tăng giá sản phẩm để giữ được sản xuất. Bên cạnh đó, tìm cách giữ chân khách hàng cũ và cố gắng tìm bạn hàng mới.
Vân Nam - Vi Lâm