Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức không áp trần lãi suất huy động 12 tháng trở lên kể từ ngày 11/6, ngay lập tức một số ngân hàng trước đó đã hạ lãi suất xuống 9%/năm nay lại điều chỉnh lãi suất tăng lên 11 - 13%, thậm chí có ngân hàng tăng lên 14%/năm. Cuộc đua lãi suất huy động này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, lãi suất cho vay sẽ không giảm như kỳ vọng.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức không áp trần lãi suất huy động 12 tháng trở lên kể từ ngày 11/6, ngay lập tức một số ngân hàng trước đó đã hạ lãi suất xuống 9%/năm nay lại điều chỉnh lãi suất tăng lên 11 - 13%, thậm chí có ngân hàng tăng lên 14%/năm. Cuộc đua lãi suất huy động này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, lãi suất cho vay sẽ không giảm như kỳ vọng.
Lại đua tăng lãi suất huy động
Ngân hàng khiến các đối thủ cạnh tranh và khách hàng “sốt” nhất chính là Western Bank. Theo đó, sản phẩm tín dụng “kỳ hạn duy nhất lãi suất cao nhất" của Western Bank có mức 14%/năm, áp riêng cho kỳ hạn 13 tháng, cao nhất thị trường. Với kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 13%/năm.
Tại các ngân hàng khác như Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Á Châu (ACB), Eximbank, NamABank, SCB, Long Kiên, VietBank…, lãi suất dao động trung bình từ 11 - 12%/năm. Dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo sự chênh lệch lãi suất giữa các thành viên khối cổ phần và các ngân hàng có quy mô lớn và vừa sẽ dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm giữ khách.
Một doanh nghiệp vay vốn với lãi suất mới tại Ngân hàng NN & PTNT chi nhánh Bắc Giang. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thực tế, khi chủ trương bỏ trần huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên bắt đầu có hiệu lực từ 11/6, vài ngày đầu, các ngân hàng vẫn dè dặt níu lãi suất ở mức 9%, tương đương với các kỳ hạn dưới 12 tháng, thậm chí có nơi còn để thấp hơn. Nhưng từ 14/6, cuộc đua lãi suất dài hạn bắt đầu. Nhiều khách hàng ngạc nhiên bởi trước đó, chính các ngân hàng khẳng định chắc nịch không muốn cho vay lãi suất cao và cũng không có nhu cầu huy động với chi phí đắt đỏ. Hơn nữa, nguồn vốn của họ đang khá dồi dào mà đầu ra chưa thể thông.
Ngay cả Ngân hàng ACB, một ngân hàng được xem là thanh khoản tốt cũng phải vào cuộc. Lí giải vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết: Do một số nhà băng điều chỉnh mạnh lãi suất đầu vào, nên ACB cũng phải nâng lãi suất lên mức 12% để giữ chân khách. Có khả năng trong thời gian tới, ACB sẽ tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, tùy thuộc vào thị trường. Dù vậy, khó có chuyện lãi suất sẽ tăng quá cao bởi sức “chịu đựng” của các ngân hàng có hạn. Theo đó, khi lãi suất tăng đến một mức nhất định, ắt sẽ phải dừng lại.
Thế nhưng, không thể không thừa nhận việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài đã giúp các ngân hàng nhỏ tăng mạnh nguồn vốn. Theo Ngân hàng SCB, nguồn vốn kỳ hạn trên 1 năm tại ngân hàng đã tăng lên sau khi điều chỉnh lãi suất 12%/năm. Dù vậy, động thái tăng lãi suất kỳ hạn dài chỉ góp phần cân đối lại nguồn vốn dài hạn do thời gian qua, các ngân hàng chỉ huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn. Theo đó, việc dỡ trần lãi suất kỳ hạn dài đã mở thêm một luồng không khí mới cho các ngân hàng, kích thích được nguồn vốn dài hơi để có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Lo ngại lãi suất cho vay tăng theo
Tuy nhiên, trước hiện tượng đua lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân lo ngại: Lãi suất cho vay sẽ không tiếp tục giảm như kỳ vọng mà sẽ tăng trở lại.
Theo anh Nguyễn Thọ, ngụ tại quận Tân Bình - TP.HCM, mặc dù liên tục vài tháng nay lãi suất giảm mạnh, nhưng món nợ cũ ngân hàng của anh vẫn chịu lãi suất 19%/năm, trước đó là 25%/năm. Nhưng nếu tính lúc mới vay, lãi suất chỉ 0,87%/tháng. Còn anh Hoài Linh - Giám đốc Công ty TNHH TTĐ (chuyên về xây dựng và thiết kế nội thất) tại quận Phú Nhuận không khỏi mệt mỏi khi lãi suất huy động giảm về 11%/năm, nhưng mức lãi suất trả cho ngân hàng vẫn trên 20%/năm. Nay xóa bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài, khó tránh lãi suất cho vay tiếp tục tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thực tế đối tượng được áp dụng cho vay lãi suất thấp chủ yếu là ngắn hạn. Tuy nhiên, thông thường các hợp đồng vay vốn lưu động (ngắn hạn) của các ngân hàng hiện là 1 năm và có thể được gia hạn hợp đồng hạn mức 1 năm nữa là 2 năm. Vậy, để được hưởng lãi suất 15%/năm, các đối tượng còn phải chờ hết hợp đồng cũ, cỡ sau khoảng dăm tháng đến cả một năm “đèo bòng” lãi suất cao rồi mới có thể được ký lại hợp đồng mới.
Theo ý kiến của nhiều người dân, không nên tập trung áp trần lãi suất huy động mà nên áp trần đầu ra của ngân hàng. Cụ thể, cần phải có quy định trần lãi suất cho vay ở trung dài hạn đối với tất cả các loại ngân hàng. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, với kỳ hạn dài, lãi suất huy động nên duy trì ở khoảng 10-12% một năm, còn lãi cho vay dao động 14-15% một năm là hợp lý.
Tuy nhiên, theo như NHNN tuyên bố, không để nhà băng yếu kém nào phá sản, điều này đồng nghĩa người dân cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền nên tình trạng lãi suất tăng nóng khó dừng lại trong một sớm một chiều. Vì thế, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN dự báo, nếu NHNN không kiểm soát việc lãi suất tăng cao sẽ đem lại hậu quả cực kỳ nguy hại cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết họ không muốn cho vay lãi cao nếu phải rước rủi ro về mình.
Theo BaoTinTuc