Theo Tổng cục Hải quan, đến hết quý I năm nay, cả nước có gần 8.500 doanh nghiệp (DN) nợ đọng thuế xuất nhập khẩu (XNK) với số tiền trên 5 ngàn tỷ đồng. DN nợ thuế XNK quá hạn, tăng 6,04% so với cuối năm 2011. Thế nhưng ở Đồng Nai, tình trạng nợ thuế XNK quá hạn lại được khống chế khá tốt. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai (HQĐN) xoay quanh việc quản lý nguồn thu ngân sách này.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết quý I năm nay, cả nước có gần 8.500 doanh nghiệp (DN) nợ đọng thuế xuất nhập khẩu (XNK) với số tiền trên 5 ngàn tỷ đồng. DN nợ thuế XNK quá hạn, tăng 6,04% so với cuối năm 2011. Thế nhưng ở Đồng Nai, tình trạng nợ thuế XNK quá hạn lại được khống chế khá tốt. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai (HQĐN) xoay quanh việc quản lý nguồn thu ngân sách này.
* Trong khi cả nước mức nợ đọng thuế XNK tăng, riêng Đồng Nai lại giảm, ông có thể cho biết Cục HQĐN đã có những giải pháp gì để làm được vấn đề này?
- Có được kết quả này là nhờ Cục HQĐN đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ trong nhiều năm qua. Thứ nhất là ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào các hoạt động thủ tục HQ. Thứ hai là theo sát hoạt động DN. Cục HQĐN đã đưa ra chỉ tiêu nếu chi cục nào để cho tỷ lệ nợ phát sinh tăng cuối năm sẽ xem xét đánh giá thi đua chi cục trưởng nơi đó. Ngoài ra, từ đầu năm 2012, Cục HQĐN đã phối hợp với ngân hàng, Kho bạc Nhà nước và một số đơn vị khác để nắm rõ hơn tình hình hoạt động của DN. Gần đây, chúng tôi còn phối hợp cả với Cục Thi hành án để bám sát các DN phá sản.
* Như vậy, đó là một quá trình lâu dài?
- Việc giảm nợ đọng thuế không phải đến năm nay khi thấy kinh tế khó khăn Cục HQĐN mới đặt ra, mà được thực hiện từ nhiều năm trước đây. Chúng tôi đã yêu cầu các chi cục phải “sát” với các DN, vừa để giúp đỡ khó khăn, đồng thời biết được “sức khỏe” của DN, không đợi đến khi DN đóng cửa mới tính đến xử lý nợ đọng thuế. Đặc điểm ở Đồng Nai có nhiều DN, gia công và sản xuất xuất khẩu (XK), nếu quản lý không chặt và không sử dụng công nghệ thông tin theo dõi số liệu thì khó biết được chính xác từng thời điểm hoạt động của DN để kịp thời đôn đốc thu. Ví dụ, đối với hàng sản xuất XK, phải theo dõi trên vòng đời sản phẩm. Việc DN hàng nhập vào nhưng không thấy xuất ra thì phải kiểm tra tình hình ngay. Nếu cứ để đúng nguyên tắc, đợi đến 9 tháng mới kiểm tra thì nợ xấu sẽ phát sinh rất nhiều. Trong những lúc khó khăn như hiện nay nếu không theo dõi mà đợi đúng thủ tục thì DN có thể bán hết cả máy móc đi rồi, khi ấy HQ chỉ đến ghi nợ.
* Theo ông, những khó khăn trong việc thu nợ thuế quá hạn hiện nay HQĐN đang gặp phải là gì?
- Khó khăn hiện nay là sự phối hợp giữa các cơ quan khi xử lý các DN phá sản vẫn chưa được chặt chẽ. Có những DN không những nợ thuế HQ mà còn nợ cả thuế nội địa, nợ ngân hàng và thậm chí nợ luôn cả tiền bảo hiểm. Theo Luật Phá sản DN thì cũng rất nhiêu khê, kéo dài có khi tới vài năm.
* Một số quy định về thu thuế XNK được cho là chưa chặt chẽ khiến DN có thể lợi dụng để chây ì nộp thuế và trở thành nợ thuế xấu. Theo ông, vấn đề này cần phải xử lý ra sao?
- Qua quá trình theo dõi, tôi thấy một số quy định của nước ta không phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước đây thì được, nhưng hiện nay Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cũng cần phải xem xét. Cụ thể, chúng ta ân hạn thuế XNK để hỗ trợ DN thì vấn đề này ở các nước không có. Ở nước ngoài, khi DN nhập khẩu nguyên liệu vào sản xuất buộc phải nộp thuế ngay, sau đó khi xuất hàng đi, Nhà nước sẽ hoàn lại thuế. Theo thống kê của chúng tôi thì chính sách ân hạn thuế lợi nhiều nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ không đáng kể. Tôi nghĩ việc ân hạn thuế cũng cần phải xem xét lại.
* Tình trạng chủ DN bỏ trốn dẫn đến rất khó khăn cho việc thu thuế ở nhiều nơi, tại Đồng Nai hiện tượng này có hay không?
Nhân viên hải quan kiểm tra chứng từ hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. (Ảnh do Cục Hải quan Đồng Nai cung cấp) |
- Hiện tại có hơn 20 DN nằm trong tình trạng nợ thuế XNK, nhưng họ không thuộc dạng bỏ trốn. Các công ty này không giải thể nhưng cũng không còn hoạt động, chủ DN đến địa phương khác thành lập DN mới. Việc này cũng do quy định thành lập DN dễ dàng nhưng không được quản lý tốt. Có những DN đang nợ thuế ở Đồng Nai nhưng vẫn có thể sang địa phương khác thành lập DN mới bình thường. Có DN nợ thuế khá lâu, tính ra tiền phạt còn cao hơn là tiền thuế nợ, họ không tuyên bố phá sản nên HQ chỉ ghi nợ chứ không có cách nào khác. Nếu sử dụng phương án giảm tiền phạt sẽ sinh ra chuyện chây ì ở các DN khác. Một số trường hợp không thể thu kéo dài cả 10 năm, Cục HQĐN cũng đã kiến nghị với tổng cục xóa nợ nhưng vẫn chưa được, vì xét theo các tiêu chí lại không ở diện được xóa.
* Tổng nợ thuế quá hạn của các DN do Cục HQĐN quản lý là bao nhiêu, thưa ông?
- Tính đến cuối tháng 5-2012, tổng nợ thuế XNK quá hạn của các DN là hơn 23 tỷ đồng, trong đó loại hình chuyên thu gần 21 tỷ đồng, giảm gần 2 tỷ đồng so với tháng 12-2011; nợ tạm thu thuộc dạng quá hạn phải cưỡng chế là 2,69 tỷ đồng, giảm khoảng 340 triệu đồng so với cuối năm 2011.
* Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)