Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang: Không hy sinh môi trường bằng mọi giá

10:06, 13/06/2012

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang là người đầu tiên lên trả lời chất vấn vào sáng 13-6. Bộ trưởng đã nhận được nhiều câu hỏi khó về tình trạng khiếu kiện kéo dài, ô nhiễm môi trường, chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang là người đầu tiên lên trả lời chất vấn vào sáng 13-6. Bộ trưởng đã nhận được nhiều câu hỏi khó về tình trạng khiếu kiện kéo dài, ô nhiễm môi trường, chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương…

Đại biểu (ĐB) yêu cầu phải nêu trách nhiệm của Bộ trong việc giải tỏa bức xúc của người dân.

500 VỤ KHIẾU KIỆN ĐẤT ĐAI KÉO DÀI

Trước chất vấn của nhiều ĐB là tại sao để tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài, đặc biệt gần đây xảy ra một số vụ nổi cộm, như: Văn Giang, Tiên Lãng…, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bày tỏ rằng Bộ thấy “rất đáng tiếc” khi các vụ việc trên diễn ra. “Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của Bộ và của địa phương. Thái độ chung là các vụ việc phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật, làm rõ trách nhiệm từng nơi, từng người, từng địa phương” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, các vụ việc trên đã và sẽ được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Với vụ việc ở Tiên Lãng, theo Bộ trưởng thì Hải Phòng đã giải quyết vụ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng. Còn vụ Văn Giang, Bộ trưởng cho biết khi đến nắm tình hình, người dân cũng “không kêu ca gì về chính sách đền bù, hỗ trợ”. Bộ trưởng cũng thông báo, hiện vẫn còn đến 500 vụ khiếu kiện kéo dài chưa giải quyết xong và hứa “sẽ giải quyết sớm”.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ thì thông tin, khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm trên 79% tổng vụ khiếu nại, tố cáo và thường rất phức tạp, khó giải quyết. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng hứa sẽ chủ động rà soát giải quyết dứt điểm bằng 2 đợt, đợt 1 từ đầu tháng 6 đến 30-8; đợt 2 là từ đầu tháng 9 đến cuối năm. Bên cạnh đó là giải quyết các vụ việc mới phát sinh.

NĂM 2013: PHẢI CƠ BẢN CẤP XONG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trả lời câu hỏi của ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về lý do tại sao quy định đến năm 2010 phải cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đến nay tỷ lệ đạt thấp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận thực tế là đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa cấp được nhiều. Nhiều lý do dẫn đến việc này nhưng theo Bộ trưởng là do thiếu cán bộ, nhiều nơi có vị trí đặc thù, thiếu kinh phí (vấn đề nan giải vì cần đến 30 ngàn tỷ đồng). “Có thể đến 2015 chúng ta sẽ làm được” - Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lẫn ĐB Võ Kim Cự đều không đồng tình với “lời hứa 2015” của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội nói: “Để đến 2015 mới xong là tôi không đồng ý. Chính sách đã có, vậy trong năm 2012 và 2013 có làm xong được không?”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đến năm 2013 là phải xong cơ bản vấn đề này.

KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG VỚI TĂNG TRƯỞNG

ĐB Lê Đình Khanh thì đề nghị Bộ trưởng nói rõ tại sao vẫn cấp đất liên tục cho các khu công nghiệp (KCN) trong khi tỷ lệ lấp đầy thấp, trở thành đất hoang hóa. Ngoài ra, tại sao nhiều KCN vẫn chưa xử lý nước thải tốt gây hại cho môi trường, quan điểm của Bộ ra sao. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích, thành lập KCN dựa trên đòi hỏi bức bách về công nghiệp hóa. Tuy nhiên, khi xây dựng xong, phải có thời gian để lấp đầy, chẳng hạn KCN Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) trong 20 năm mới có thể lấp đầy.

Bộ trưởng cho rằng, các KCN thành lập theo quy hoạch đã được Thủ tướng cho phép nên vẫn chấp nhận triển khai. Vấn đề là các địa phương phải cố gắng lấp đầy diện tích thuê đất ở các KCN. “Về xử lý chất thải, trước đây khi chưa có luật thì phải chấp nhận, còn nay đã có luật rồi thì quan điểm của chúng tôi là không hy sinh môi trường bằng mọi giá” - Bộ trưởng nói. Bộ trưởng đề nghị “cử tri an tâm” vì phải có hệ thống xử lý nước và chất thải thì dự án mới được triển khai, đồng thời phải có hệ thống kiểm soát.

Về ô nhiễm tại các lưu vực sông lớn, như: Nhuệ - Đáy, Sài Gòn - Đồng Nai…, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng phải trả lời dứt khoát “bao giờ chúng tôi được sống sạch và trong lành với môi trường trên các  lưu vực sông?”. Bộ trưởng nhận xét đây là câu hỏi “hết sức hóc búa” vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: ý thức doanh nghiệp, người dân, nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng… Và Bộ trưởng cũng chỉ dè dặt: “Khi chúng ta đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đến năm 2020 chúng ta không thể không giải quyết…”.

Kim Ngân

Tin xem nhiều