Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng chuyên canh cây trồng hiệu quả cao

07:05, 04/05/2012

Mấy năm gần đây, một số nơi ở Đồng Nai đã dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có thu nhập cao. Các vùng chuyên canh từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa.

Mấy năm gần đây, một số nơi ở Đồng Nai đã dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có thu nhập cao. Các vùng chuyên canh từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa.

Đồng Nai có trên 130 ngàn hécta cây trồng lâu năm. Trong đó, có các loại cây ăn trái, cây công nghiệp nổi tiếng, như: xoài, sầu riêng, cà phê, tiêu  đã từng bước hình thành vùng chuyên canh với diện tích hàng ngàn hécta.

* Thu nhập cao

Hiện nay, diện tích xoài chuyên canh của Đồng Nai khoảng 3.500 hécta, tập trung ở các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); Xuân Bắc, Xuân Hưng, Suối Cao, Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc). Vùng chuyên canh sầu riêng đa số nằm ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất); Xuân Lập, Xuân Tân, Bình Lộc (TX. Long Khánh). Tiêu, cà phê hình thành các vùng sản xuất diện tích lớn ở xã Cây Gáo, Thanh Bình, Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) và một số xã thuộc huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… Trên các vùng chuyên canh lớn, đa số nông dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, áp dụng khoa học vào các khâu chăm sóc do vậy năng suất, chất lượng cây trồng được cải thiện rõ rệt và lợi nhuận của nông dân tăng lên.

Xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) là vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh. Ảnh: H. GIANG
Xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) là vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh. Ảnh: H. GIANG

Ông Lê Đình Thường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Đa số nông dân trồng tiêu ở Xuân Thọ có năng suất cao gấp 1,5- 2 lần so với bình quân toàn tỉnh. Vì thế, mấy năm nay, lợi nhuận nông dân trồng tiêu thu được cao hơn nhiều so với nông dân trồng tiêu ở nơi khác. Có thu nhập cao, đời sống của nông dân được nâng lên”.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thiên, cán bộ nông nghiệp xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), khẳng định: “Xã có gần 800 hécta xoài. Từ khi có diện tích xoài lớn, tỉnh và huyện chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới nhiều hơn cho nông dân. Đồng thời, đơn vị khuyến nông, bảo vệ thực vật cũng tập trung xây dựng các mô hình điểm để nông dân học hỏi kinh nghiệm đưa năng suất và chất lượng lên cao để có giá bán cao hơn”. 

Theo ông Đặng Bá Hồng ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), vùng này có diện tích cây tiêu nhiều, cán bộ nông nghiệp thường xuyên có mặt, tập huấn kiến thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Do đó, khi có sâu bệnh, nông dân biết cách xử lý kịp thời, năng suất tiêu thường cao hơn một số nơi khác trong huyện từ 0,5-1tấn/hécta/năm. Với giá hạt tiêu cao như năm nay, lợi nhuận các vườn thâm canh ở Bàu Hàm cao hơn từ 60-120 triệu đồng/hécta so với các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

* Tiến đến sản xuất hàng hóa

Các vùng chuyên canh cây trồng của tỉnh bước đầu đã cho năng suất cao hơn các địa phương khác trong tỉnh, thế nhưng đa số vẫn sản xuất theo hướng mạnh ai nấy làm. Nông sản làm ra nhiều, nhưng chưa theo cùng một quy trình nên khó xuất khẩu trực tiếp. Hiện nay, nông sản của các vùng chuyên canh chủ yếu vẫn bán cho thương lái đem đi tiêu thụ trong nước hoặc thông qua nhiều khâu trung gian mới đến tay các doanh nghiệp để xuất khẩu. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho nông dân.

Để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, hơn 4 năm qua, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng chủ lực ở các huyện, thị, mục đích tìm đầu ra thuận lợi cho nông sản, trái cây.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho hay đến nay ngành nông nghiệp Đồng Nai đã xây dựng hoàn chỉnh và chuyển giao đến nhiều nông dân quy trình trồng, thâm canh các loại cây chủ lực theo công nghệ cao nâng năng suất và chất lượng. Một số tiến bộ kỹ thuật được nông dân áp dụng vào sản xuất, như: trồng cây trong nhà lưới, phòng trừ dịch hại tổng hợp, xử lý ra hoa trái vụ, sản xuất theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt)…

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, năng suất cây trồng tăng 30-80%. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng mới, thâm canh cây chủ lực để có vùng chuyên canh lớn. Qua đó, tạo sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều