Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) trong tỉnh muốn vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) để làm hệ thống xử lý chất thải, mua xe ép rác, song để vay được nguồn quỹ này không dễ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) trong tỉnh muốn vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) để làm hệ thống xử lý chất thải, mua xe ép rác, song để vay được nguồn quỹ này không dễ.
Quỹ BVMT Đồng Nai được thành lập vào giữa năm 2004, đến tháng 6-2006 mới đi vào hoạt động. Hiện vốn của quỹ hơn 45 tỷ đồng, được hình thành từ 3 nguồn, gồm: vốn điều lệ do tỉnh cấp; trích từ nguồn thu phí nước thải công nghiệp, sinh hoạt và các đơn vị tài trợ. Lãi suất cho vay của nguồn quỹ này chỉ bằng một nửa so với vay ngân hàng, do đó thu hút sự quan tâm của nhiều DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực BVMT.
* Vốn còn ít
Nguồn Quỹ BVMT Đồng Nai dành ưu tiên cho các DN, HTX vay đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải và mua xe chuyên dùng chở rác thải. Đến nay, nguồn quỹ này đã cho 16 đơn vị vay với tổng số tiền khoảng 35 tỷ đồng. Thời gian vay từ 3,5-5 năm, lãi suất từ 4,5 đến gần 7%/năm. Với lãi suất vay ưu đãi như trên, nhiều DN, HTX dịch vụ môi trường muốn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải và xe chuyên dùng để thu gom, vận chuyển rác. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên chỉ số ít DN, HTX môi trường tiếp cận được nguồn vốn và số vốn vay chỉ đáp ứng được trên 30% kinh phí của các dự án.
Công ty cổ phần thép Biên Hòa được vay 7 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường đầu tư hệ thống xử lý khí thải trị giá 38 tỷ đồng. Ảnh: H.GIANG |
Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom), cho hay: “Công ty Phú Sơn là đơn vị may mắn, vay được 3 tỷ đồng, lãi suất 6,3%/năm để xây dựng hầm biogas và hồ chứa nước thải; vay được quỹ BVMT với lãi suất thấp giảm bớt một phần khó khăn cho công ty. Thế nhưng, dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải của công ty cần đến 11 tỷ đồng nên số tiền được vay từ quỹ là quá ít”.
Tương tự, ông Vũ Duy Lâm, Chủ nhiệm HTX dịch vụ môi trường Thành Lâm, ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), nói: “Do yêu cầu về phục vụ vệ sinh môi trường, HTX cần trên 2 tỷ đồng mua xe cuốc, xe chuyên dùng để chở, chôn lấp rác. Nhưng số tiền HTX vay từ Quỹ BVMT chỉ được khoảng 800 triệu đồng, còn lại phải vay ở ngân hàng với lãi suất khoảng 20%/năm, do vậy HTX gặp không ít khó khăn”.
Tuy vậy, HTX vẫn là một trong 16 đơn vị may mắn tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Thực tế, số DN, HTX muốn vay vốn từ quỹ này khá nhiều nhưng không vay được.
* Thủ tục rườm rà
Đồng Nai có nhiều DN, HTX, trang trại chăn nuôi đang có nhu cầu nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mua xe chở rác chuyên dùng. Để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt yêu cầu, có những DN cần số vốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Trong điều kiện sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, DN, HTX, trang trại phải vay ngân hàng một khoản tiền lớn với lãi suất cao để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mua xe chở rác là nằm ngoài khả năng. Thế nhưng, nếu không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải để xảy ra ô nhiễm, các cơ sở sẽ bị xử phạt rất nặng và trong thời gian ngắn không khắc phục sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Để tăng nguồn quỹ hỗ trợ các DN, trang trại, HTX xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn và mua xe chở rác chuyên dùng. Sở Tài nguyên và môi trường đã kiến nghị tỉnh trích 10% trong phí sự nghiệp môi trường và trích 80% từ nguồn thu phí nước thải công nghiệp, sinh hoạt dành cho quỹ BVMT. |
Theo một số DN, HTX đã vay vốn từ nguồn Quỹ BVMT thì vốn cho vay còn ít, thủ tục vay còn rườm rà. Ngoài việc có tài sản thế chấp, DN, HTX phải xây dựng dự án và được thẩm định dự án. Thời gian trình hồ sơ, đợi xét duyệt phải mất thời gian dài, nếu đủ điều kiện mới được vay. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hùng, Giám đốc Quỹ BVMT Đồng Nai, nhận định: “Nguồn vốn của quỹ có hạn, khi cho vay phải xét duyệt dự án kỹ và xem đơn vị vay có khả năng hoàn vốn mới cho vay. Tuy quỹ quy định cho vay tối đa 70% tổng số tiền đầu tư dự án, song hiện quỹ chỉ cho vay được khoảng 30% nhu cầu”.
Hương Giang