Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ 1/6, chây ỳ thông tin có thể “nhận án” 2 tỷ đồng

09:05, 18/05/2012

Ngày 1/6 tới đây, Thông tư 52/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực.

 
Ngày 1/6 tới đây, Thông tư 52/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực.

Thông tư 52 ra đời nhằm giải quyết một số những hạn chế từ Thông tư 09 /2010/TT-BTC trước đó và được các được các thành viên trên thị trường đánh giá có nhiều bước đột phá về chế tài quản lý cũng như những thách thức về nghĩa vụ thực hiện.

Thay đổi để sát thực tiễn

Để hỗ trợ các thành viên, các công ty niêm yết, công ty đại chúng có thể áp dụng và thực thi đầy đủ theo quy định pháp luật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã  tổ chức Hội nghị tập huấn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Theo tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý thị trường – SSC, các doanh nghiệp đại chúng cần phải chú ý một số những điểm mới cơ bản trong Thông tư này.

"Quy định về nghĩa vụ công bố thông tin không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp niêm yết, mà mở rộng ra cả các công ty đại chúng lớn (quy mô vốn điều lệ thực góp trên 120 tỷ đồng, quy mô đại chúng từ 300 cổ đồng). Khái niệm về cổ đông nội bộ cũng được mở rộng cho các chức danh, giám đốc tài chính, trưởng phòng tài chính kế toán của công ty đại chúng," ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, thời hạn công bố thông tin cũng được rút ngắn chỉ còn 90 ngày đối với Báo cáo tài chính năm đồng thời Báo cáo kiểm toán chậm nhất là 10 ngày…

Một điểm hạn chế phổ biến trước đây là việc chây ỳ và chậm trễ trong công bố thông tin thì nay chỉ được chấp nhận trong một số trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…

Nhìn nhận một cách tổng thể, ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Tài chính, Tập đoàn FLC cho rằng, các nhà làm luật Việt Nam đã phát hiện ra những bất cập và ban hành Thông tư 52 là một việc làm nhanh nhạy và có tính cập nhật rất cao. Nội dung Thông tư này có nhiều thay đổi mang tính đột phá, tăng cường tính minh bạch tại các công ty niêm yết nói riêng và công ty đại chúng nói chung.

Điểm nổi bật đáng chú ý, là mức xử phạt vi phạm hành chính đã được tăng lên mức cao nhất là 2 tỷ đồng, đảm bảo tính răn đe trong các trường hợp cố tình vi phạm và gây ra thiệt hại lớn cho thị trường.

Doanh nghiệp còn... e ngại

Nhìn nhận những mặt tích cực của Thông tư 52 đem lại, song nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra khá e ngại khi một số quy định mới sẽ được áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Chứng khoán, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ cho biết, Công ty ông dự kiến lên sàn niêm yết vào năm tới, nên hiện đang tiếp cận thị trường cũng như đi tìm hiểu kinh nghiệm từ một số công ty đã niêm yết. Thêm vào đó một vấn đề mới cũng nảy sinh, hiện nay vốn điều lệ của Công ty là 110 tỷ, nhưng sắp tới sẽ tăng thêm 20% (hình thức thưởng cổ tức bằng cổ phiếu) và như vậy theo Thông tư mới Công ty sẽ thuộc vào diện công ty đại chúng có mức vốn lớn và bắt buộc phải thực hiện những quy định về công bố thông tin.

Ông Thành ghi nhận những điểm mới trong Thông tư 52 là tích cực, mang lại sự minh bạch cho thị trường và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số. Song ông Thành cũng lo ngại việc các doanh nghiệp chậm trễ trong các Báo cáo tài chính Kiểm toán nguyên nhân chủ yếu là do các công ty kiểm toán thì ít, trong khi áp lực các công ty đại chúng đến niên độ kế toán lại quá nhiều.

Đại diện một số công ty niêm yết tỏ ra khá quan ngại về các quy định rút ngắn thời gian công bố thông tin. Họ cho rằng, tần suất công bố thông tin dày đặc như quy định là một thách thức đối với không ít công ty, đòi hỏi phải cắt cử một bộ phận chuyên trách để theo dõi và thực hiện công việc này đồng thời phải tính toán xây dựng lại phương thức kế toán sau cho đảm bảo tính về thời gian cũng như tính chuẩn xác.

Đại diện của một Ngân hàng chỉ ra, quy định công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ (không kể ngày nghỉ Lễ, thứ Bảy, Chủ nhật) cũng là một khó khăn. Trên thực tế 24 giờ trôi đi rất nhanh, trong khi đồng thời vừa phải thực hiện quá trình xử lý, giải quyết, thống nhất văn bản… là một áp lực không nhỏ.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, quy định rút ngắn thời gian Báo cáo Tài chính bán niên và Báo cáo tài chính năm… rõ ràng cũng tạo áp lực thời gian cho bộ phận chuyên môn như kế toán, tài chính của doanh nghiệp. Quy định này cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải tích cực phối hợp với phía công ty kiểm toán hơn, để đưa ra những thông tin kịp thời đến với nhà đầu tư, giúp họ có được những quyết định hợp lý hơn khi tham gia trên thị trường chứng khoán.

“Song, Thông tư cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực cho cả phía doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư, khi các công ty thực hiện công bố thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, qua đó nhà đầu tư sẽ thêm tin tưởng vào mà cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết đó.

Theo tôi, một doanh nghiệp minh bạch và hoạt động tốt thì hoàn toàn có thể đáp ứng khối lượng thời gian theo yêu cầu của Thông tư đưa ra,” ông Cường nói.

Ông Nguyễn Sơn ghi nhận, việc ban hành Thông tư mới không thể khắc phục triệt những vấn đề của Thông tư cũ. Một thông tư đưa ra là nhằm điều chỉnh những bất cập cơ bản nhất về những phát sinh trong điều kiện thị trường hiện tại, sau quá trình một vài năm các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm đánh giá, tổng kết và sửa đổi để có những giải pháp phù hợp với điều kiện mới. Song, ông Sơn cũng cho rằng việc áp những quy định mới là cần thiết để tạo sự chuẩn mực cho thị trường.

“Tái công bố thông tin giúp thị trường hoạt động lành mạnh hơn đồng thời từng bước nâng cao chất lượng quản trị công ty cũng như công bố thông tin nhằm tiệm cận dần với những thông lệ quốc tế,” ông Sơn khẳng định./.
Vietnam+

 

Tin xem nhiều