Báo Đồng Nai điện tử
En

Trần lãi suất vay: Có gỡ khó cho doanh nghiệp?

08:05, 13/05/2012

Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần lãi suất vay cho 4 nhóm đối tượng chính thức có hiệu lực từ ngày 8-5 vừa qua được xem như một hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (DN), khuyến khích vay vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách mới vẫn chưa giúp DN gỡ khó.

Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần lãi suất vay cho 4 nhóm đối tượng chính thức có hiệu lực từ ngày 8-5 vừa qua được xem như một hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (DN), khuyến khích vay vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách mới vẫn chưa giúp DN gỡ khó.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay tối đa bằng lãi suất huy động cao nhất có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 3%/năm.

* Hạ lãi suất cho khách hàng mới

Các lĩnh vực được áp dụng thông tư mới là: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vi Lâm  Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á.           Ảnh: V Lâm
Vi Lâm Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á. Ảnh: V Lâm

Tại Đồng Nai, từ sau ngày 8-5, nhiều NH đã công bố hạ lãi vay xuống 15%/năm với các đối tượng nói trên, đặc biệt là nhóm NH lớn, như: Agribank, BIDV, ACB, Vietcombank… trong khi vẫn “ngập ngừng” ở nhóm NH nhỏ. Nguyên nhân vẫn nằm ở chỗ, NH lớn chấp hành tốt hơn quy định trần lãi suất huy động 12%/năm nên dễ dàng hạ lãi vay hơn, trong khi một số NH nhỏ lại “vượt rào” huy động nên thiếu cơ sở giảm lãi vay. NHNN chi nhánh Đồng Nai cho biết, các DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên trên, hiện chiếm từ 60-70% dư nợ trên địa bàn Đồng Nai - một con số lớn.

Tuy nhiên, Thông tư 14 cũng chỉ quy định áp trần lãi vay cho các đối tượng vay mới, tức là với các hợp đồng được ký từ ngày 8-5 trở đi. Điều này sẽ khiến tác dụng của chính sách mới giảm đi đáng kể bởi trên thực tế, hiện nay không mấy DN mặn mà với việc vay vốn mở rộng làm ăn ở thời điểm được đánh giá là rất khó khăn.

Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Đồng Nai cho biết, khoảng 60% khách hàng của Agribank Đồng Nai sẽ chịu tác động của thông tư mới này bởi lãi suất vay sẽ giảm từ 1-1,5%/năm. Tuy nhiên, trước mắt sẽ áp dụng cho các khách hàng vay mới, còn khách hàng cũ sẽ tùy trường hợp để xử lý. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai cũng khẳng định, sẽ sớm triển khai và kiểm tra việc thực hiện thông tư mới đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

* Lãi thấp vẫn thừa vốn

Theo nhiều DN, trong bối cảnh hiện tại, chính sách này khó lòng hỗ trợ DN được bởi vấn đề khiến họ đau đầu nhất hiện nay không phải là lãi suất cao hay thiếu vốn, mà chính là không nhìn thấy cơ hội đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường để tiếp tục vay vốn - dù là lãi thấp.

Giám đốc chi nhánh một NH quy mô khá lớn tại Đồng Nai cho rằng: “Lãi suất không phải là vấn đề mấu chốt trong việc vốn không đến tay DN. Hiện tại, cái khó là NH không dám cho vay ra bởi tình hình tài chính và khả năng trả nợ của nhiều DN khá bất ổn. Ngược lại, nhiều DN tốt lại không có nhu cầu vay bởi họ không tìm thấy cơ hội bán hàng hay mở rộng sản xuất. Theo đó, khó lòng khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ DN chỉ bằng vài biện pháp hành chính như can thiệp đến lãi suất.”

 

Về phía các NH, tình trạng thừa vốn đã được nói đến nhiều, và thực tế nó đang diễn ra. Tại một số NH lớn như BIDV hay Vietcombank, lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực như sản xuất - xuất khẩu đối với các khách hàng tốt đã hạ xuống mức 15% từ khá lâu. Thậm chí với một vài lĩnh vực đặc thù, mức lãi suất còn thấp hơn. Do đó, kể cả khi NHNN không áp trần lãi suất vay, các khách hàng tốt vẫn có khả năng tiếp cận vốn rẻ, bởi bản thân các NH cũng rất muốn cho vay.

Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc ACB Đồng Nai nhận xét, điều khiến DN lo lắng bây giờ không phải là lãi suất có giảm thêm vài % hay không, mà là những vấn đề sống còn khác, như: sản phẩm không có đầu ra, hàng tồn kho tăng mạnh, đơn hàng giảm sút… Chính vì vậy, dù lãi suất giảm, nhu cầu vay cũng chưa tăng.

Tại ACB, vốn cũng đang “dư dả”, song khách hàng tốt thì vẫn phải đi tìm. Theo đó, nếu chỉ chăm chú hỗ trợ các khách hàng vay mới thì tác dụng hỗ trợ DN vượt khó của chính sách mới sẽ không cao. Thay vào đó, nên có những biện pháp tác động khiến DN giải phóng được hàng tồn kho, tạo động lực phát triển sản xuất, mà theo nhiều ý kiến, giảm lãi suất vay tiêu dùng cũng là một cách đáng quan tâm.

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều