Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đột phá từ cơ chế, chính sách!

07:05, 11/05/2012

Cuối tháng 4 vừa qua, giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nhận lỗi trước nhân dân về thực trạng nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo...

Cuối tháng 4 vừa qua, giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nhận lỗi trước nhân dân về thực trạng nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo...

Đường Nguyễn Ái Quốc là đường duy nhất ở TP. Biên Hòa phân làn riêng cho xe ô tô và xe gắn máy.  Ảnh: T. Nguyên
Đường Nguyễn Ái Quốc là đường duy nhất ở TP. Biên Hòa phân làn riêng cho xe ô tô và xe gắn máy. Ảnh: T. Nguyên

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, đây chính là những vấn đề cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới. Đánh giá về những hạn chế trong quá trình triển khai, thi công các dự án giao thông thời gian qua tại các địa phương trên cả nước, ngành GTVT cho biết đã có những nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình. Song đến nay, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông thiếu sự kết nối đồng bộ giữa những hệ thống giao thông với nhau, kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Nói cách khác, chưa tạo được bước đột phá cần thiết trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.[links(right)]

* Tăng mức hỗ trợ…

Bộ GTVT gần đây đã xác định, cần tập trung đầu tư xây dựng những tuyến đường huyết mạch, đường vành đai; các trục giao thông hướng tâm và tuyến quốc lộ trọng yếu, từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông. Trước mắt, những điểm “nghẽn” thuộc các dự án gây trì trệ kéo dài, phải kiên quyết cải thiện.

Để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét một số vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông. Đó là việc nâng cấp ngay quốc lộ 20, đường tỉnh 769 (từ ngã tư Dầu Giây đến quốc lộ 51) thì mới đảm bảo kế hoạch vận chuyển bauxite; bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai xây dựng đường liên cảng huyện Nhơn Trạch; đầu tư xây dựng tuyến cầu đường từ quận 9 sang Nhơn Trạch bằng vốn Trung ương hoặc hình thức BOT; sớm giải quyết vốn thuộc dự án cầu Đồng Nai mới để địa phương tiếp tục hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng; bố trí cho Đồng Nai khoảng 3.500 tỷ đồng xây dựng hai khu tái định cư phục vụ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; hỗ trợ tạo điều kiện xây dựng tuyến kết nối đường 25B vào đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường bộ tránh cầu đường sắt trên cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát…

 

Ở Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh không thể không nôn nóng khi hàng loạt dự án thi công kéo dài. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng, mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, áp dụng trên địa bàn Đồng Nai từ tháng 1-2012. Đây là tín hiệu khá lạc quan có thể tháo gỡ hàng loạt vấn đề vướng mắc liên quan đến đền bù, giải tỏa các dự án. Các mức hỗ trợ bằng tiền để người bị thu hồi đất có thêm điều kiện di chuyển ra khỏi phạm vi dự án; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp bị thu hồi đất ở; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm... đều là những quyết sách kịp thời giải quyết những khó khăn cho những hộ bị thu hồi đất. Đáng kể là mức hỗ trợ có tăng lên, chẳng hạn di chuyển trong phạm vi địa giới hành chính huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa là 4 triệu đồng/hộ; ngoài các địa bàn nêu trên 6 triệu đồng/hộ; ngoài tỉnh 8 triệu đồng/hộ. Hay như hỗ trợ tiền thuê nhà khi chưa được bố trí tái định cư: hộ 6 người trở xuống ở TP. Biên Hòa được cấp 2 triệu đồng/hộ/tháng, Long Khánh 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, các huyện 1,2 triệu đồng/hộ/tháng; hộ nhiều hơn 6 người thì mỗi nhân khẩu tăng thêm được cấp 350 ngàn đồng/tháng/người (địa bàn Biên Hòa), nhưng mỗi hộ tổng cộng nhận không quá 3,5 triệu đồng/hộ/tháng; 300 ngàn đồng/tháng/người (TX. Long Khánh) và 800 ngàn đồng/hộ (địa bàn còn lại). Điểm đáng chú ý là giá trị suất tái định cư tối thiểu tại quy định này được tính 300 triệu đồng/suất (khu vực Biên Hòa); 250 triệu đồng/suất gồm địa bàn TX. Long Khánh, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành và 200 triệu đồng/suất tại các thị trấn thuộc các địa phương khác…

Mai này, hạ tầng giao thông ở Đồng Nai được kết nối đồng bộ, sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T. Nguyên
Mai này, hạ tầng giao thông ở Đồng Nai được kết nối đồng bộ, sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T. Nguyên

Nhận định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mà UBND tỉnh mới ban hành, một lãnh đạo Sở Tài chính khẳng định, có nhiều điểm phù hợp hơn so với tình hình thực tế. Do đó, chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến đối với công tác giải tỏa, thu hồi đất các dự án đang triển khai thực hiện.

* Điều kiện để phát triển bền vững

Tính đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, vận tải. Theo thống kê, nếu tính cả giao thông nông thôn và giao thông khu phố thì Đồng Nai có 3.058 tuyến đường, dài trên 6,5 ngàn km, gồm 5 tuyến quốc lộ (1A, 1K, 20, 51, 56) với tổng chiều dài 244km; hệ thống đường tỉnh 20 tuyến, dài tổng cộng trên 372km, đã được nhựa hóa 95%; đường đô thị, đường huyện có tổng chiều dài hơn 1,5 ngàn km, nhựa hóa 55%; đường xã, phường 2.629 tuyến, dài 3.835km, nhựa hóa gần 30%. 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn nhờ vào chương trình xã hội hóa giao thông nên tỷ lệ nhựa hóa đạt 60-70%. Ngoài ra, còn 155 tuyến đường chuyên dùng, dài 390km, nhựa hóa 100%. Nêu lên điều này để thấy rằng, diện mạo đô thị ở Đồng Nai đã có nhiều khởi sắc; giao thông nông thôn từng bước được kết nối hợp lý với các tuyến đường quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, giao thông ở Đồng Nai dù đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, song vẫn chưa theo kịp, chưa tương xứng với tiềm năng của một tỉnh công nghiệp năng động.

Trả lời báo chí về nguồn ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đại diện Bộ Tài chính mới đây cho biết, hạ tầng giao thông là một trong lĩnh vực luôn được ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, điều kiện thu ngân sách Nhà nước có hạn, do đó vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Mặt khác, cơ chế khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng giao thông là một vấn đề lớn nhưng chưa đủ khả năng tạo vốn để tái đầu tư. Chính vì vậy, để có thể nhanh chóng kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông địa phương, khu vực, liên vùng thì không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước, mà mỗi người dân - người trực tiếp được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, đều phải có trách nhiệm tham gia góp sức.

 

Đánh giá những thành tựu về hạ tầng giao thông, ngành GTVT Đồng Nai cho rằng, ngoài những tuyến đường đang triển khai xây dựng, trên địa bàn còn thiếu hệ thống đường liên cảng, vận tải thủy, cảng cạn, cảng biển quy mô. Qua đó, định hướng phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng Nai đến năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh; 6 tuyến đường thủy nội địa và 2 cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán trên 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, do nguồn ngân sách tỉnh chỉ có khả năng cân đối gần 5 ngàn tỷ đồng, nên cơ bản phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT, BT. Thực tế, để xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn, và việc gắn kết vào hệ thống giao thông các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và toàn vùng thì phải cần đến trên 80 ngàn tỷ đồng.

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thông của toàn vùng nên có một vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong tương lai, khi hạ tầng giao thông trên địa bàn được kết nối đồng bộ, hoàn chỉnh thì đây chính là điều kiện thuận lợi để Đồng Nai tăng trưởng kinh tế  bền vững. Muốn đạt được điều này thì ngay từ bây giờ, hướng đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải được thực hiện hiệu quả, bắt đầu từ cơ chế, chính sách và tạo được đồng thuận cao trong nhân dân.

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều