Một trong những vấn đề được cho là mấu chốt đối với việc giải bài toán giao thông hiện nay, đã được ngành giao thông chỉ ra, đó là kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua không theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Điều gì đã làm cho tiến độ xây dựng các dự án (DA) giao thông thực hiện chậm và thiếu đồng bộ?
Một trong những vấn đề được cho là mấu chốt đối với việc giải bài toán giao thông hiện nay, đã được ngành giao thông chỉ ra, đó là kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua không theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Điều gì đã làm cho tiến độ xây dựng các dự án (DA) giao thông thực hiện chậm và thiếu đồng bộ?
Khu dân cư phường Long Bình Tân nằm trong quy hoạch dự án tuyến đường cầu Đồng Nai hiện vẫn chưa giải tỏa xong. Ảnh: T. NGUYÊN |
Như đã đề cập trong bài trước, trên địa bàn Đồng Nai hiện có nhiều DA giao thông đang triển khai thi công. Ngoài các công trình trọng điểm do Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư thì những đường tỉnh (ĐT) quản lý cũng được tiến hành xây dựng. Chẳng hạn như: ĐT 767 (từ ngã ba Bùi Chu, huyện Trảng Bom vào thị trấn Vĩnh An); ĐT 768 (từ TP. Biên Hòa đi Vĩnh Cửu); đoạn 1 của ĐT 769 (từ phà Cát Lái về trung tâm huyện Nhơn Trạch); hương lộ 10 (Cẩm Mỹ đi Long Thành)… Song, để triển khai thi công, phải trầy trật mới giải phóng được mặt bằng.
* Nhiêu khê thủ tục đền bù…
Phần cầu chính thuộc DA cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu đã thông xe vào tháng 12-2009. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, tiến độ thi công phần 2 đầu cầu rất chậm. Do đó, nút giao phía Biên Hòa lẽ ra phải hoàn thành vào tháng 3-2012, nhưng đến nay, tình hình không mấy khả quan khi hàng loạt phần việc vẫn đang còn ở phía trước.
Trước những khó khăn về mặt bằng thi công các công trình giao thông, cách đây không lâu, Sở GTVT Đồng Nai đã tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm hướng đến một giải pháp phù hợp trong việc đền bù, giải tỏa sao cho hợp tình, hợp lý và nhanh chóng. Tại cuộc thảo luận này, nhiều giáo sư - tiến sĩ và các nhà khoa học cho rằng, tồn tại lớn nhất là những bất cập trong các chính sách an dân khi Nhà nước thu hồi đất. Ví dụ, chủ trương luôn nêu rõ, người bị giải tỏa mặt bằng, khi đến chỗ mới phải có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng thực tế thì rất ít gia đình ở khu tái định cư khá giả hơn so với trước đó... |
Theo UBND TP. Biên Hòa, khu vực giải tỏa thi công cầu vượt tại ngã tư Vũng Tàu nằm trên địa bàn hai phường An Bình và Long Bình Tân. Trong đó, toàn bộ 74 hộ dân ở phường An Bình đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng 238 hộ ở phường Long Bình Tân vẫn chưa được giải quyết xong. Nguyên nhân là tổng số tiền đền bù cho các hộ dân ở phường Long Bình Tân bị giải tỏa là 108 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư đến nay vẫn chưa chuyển đủ. Đương nhiên, khi người có đất bị thu hồi mà chưa nhận được tiền đền bù thì họ quyết “bám đất” là có cơ sở.
Thời gian qua, quá trình thực hiện các DA, nhiều chủ đầu tư và chính quyền địa phương không khỏi ngao ngán khi phải làm các bước thủ tục về thu hồi đất. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Trần Văn Khoan đã có lần than vãn: “Thủ tục hành chính trong đền bù giải tỏa quá nhiêu khê! Ví dụ, huyện Vĩnh Cửu thời gian gần đây được đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường. Quá trình triển khai thi công, phát sinh nhiều khúc mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”. Đơn cử, DA nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 768 (từ Bửu Long đến cầu Thủ Biên) phải lập 1.800 hồ sơ về đất đai nằm trong quy hoạch. Để thực hiện đúng quy trình về đền bù giải tỏa, huyện đã trình thẩm định làm 27 đợt. Điều đáng nói, việc phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục là quá cơ cực, tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Có những hồ sơ gửi đi, sau 5 tháng cơ quan chức năng không hề có ý kiến phản hồi; rất nhiều hồ sơ gửi từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nếu được cơ quan chức năng trả lời sớm thì việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng, đằng này nhiều trường hợp hồ sơ bị “ngâm” một thời gian khá lâu mới được trả về, yêu cầu bổ sung. [links(right)]
Lâu nay, không ít DA trên địa bàn tỉnh khi làm thủ tục, phải tốn rất nhiều thời gian, có khi 3-4 năm mới hoàn tất. Trong nhiều nguyên nhân, có công tác quản lý đất đai của các cơ quan chuyên môn tại địa phương nhiều năm qua thực hiện chưa đồng bộ, thiếu cập nhật và còn nhiều bất cập, đã dẫn đến tình trạng mua bán sang tay khá phức tạp, giải quyết trường hợp này, trường hợp khác không đồng ý. Có DA người được bồi thường trước lại thấp hơn người được bồi thường sau, chỉ vì giá đất được phê duyệt từng năm nên dẫn đến khiếu nại kéo dài.
* Thủ tục “hành” là… chính!
Một lãnh đạo của Sở GTVT không khỏi bức xúc khi nói về thủ tục thu hồi đất vì một số điều khoản trong Luật Đất đai và nghị định liên quan trong thời gian gần đây không còn phù hợp. Cho nên khi thực hiện, kể cả đối với những cơ quan có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng do nhiều điểm quy định trên lĩnh vực này bất cập, chồng chéo nên được hiểu là thủ tục “hành”… là chính.
Một trường hợp không giao đất thuộc dự án nâng cấp ĐT767 (đoạn thuộc huyện Trảng Bom) làm tiến độ thi công kéo dài. Ảnh: T. NGUYÊN |
Ở Đồng Nai, để đẩy nhanh tiến độ các DA giao thông, tháng nào lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức họp để tháo gỡ những vướng mắc. Thực ra, vấn đề tồn đọng từ đâu, vướng mắc chỗ nào, trách nhiệm thuộc về ai đều khá rõ. Song, tất cả các DA ì ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này qua năm nọ, nhưng dường như mọi tổ chức, cá nhân đều… làm việc một cách đủng đỉnh, chẳng ai bị xem xét năng lực hoặc trách nhiệm. Nói cách khác, cơ chế về đền bù giải tỏa gần đây đã trở thành “căn bệnh trầm kha”, chưa có “thuốc” đặc trị dứt điểm.
Tại DA QL1, đường tránh Biên Hòa (khởi công ngày 24-7-2010, có chiều dài 12,2km với điểm đầu tại km 1851+714 QL1A, huyện Thống Nhất và điểm cuối tại km 5 QL51, phường Long Bình TP.Biên Hòa), lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận - đơn vị chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Theo kế hoạch, thời gian thi công DA là 27 tháng (cuối năm nay xong), nhưng đến nay dù đã có 6 gói thầu đang triển khai nhưng thi công theo dạng… cóc nhảy từng đoạn. Đáng kể là tình hình phê duyệt phương án bồi thường chậm, trong đó Biên Hòa mới có 349/833 thửa đất được phê duyệt. Tương tự, Trảng Bom có 250/285.
Thực tế thời gian qua, không phải chỉ ở Đồng Nai mà trên cả nước, tình hình đền bù giải tỏa để thực hiện các DA là bài toán khó. Hầu hết các DA đều phát sinh rất nhiều trường hợp khiếu nại vì cho rằng giá đền bù không thỏa đáng. Đáng kể là những quy định liên quan đến đất đai có nhiều điểm chồng chéo, dẫn đến chỗ cơ quan chức năng rất khó xử lý đối với từng vụ việc. Đến độ, một lãnh đạo của ngành Tài nguyên và môi trường đã thừa nhận, bị “tẩu hỏa nhập ma” vì đọc Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn, càng nghiên cứu càng… rối. |
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận Nguyễn Văn Khang trăn trở nói: “Tôi rất mệt mỏi khi thấy công trình thi công không đúng kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này, cơ bản do công tác giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn; hồ sơ tồn đọng nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ chính quyền địa phương, các ban, ngành đề nghị sớm bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng mọi việc vẫn không như mong đợi…”.
Trong quá trình triển khai DA này, nhiều trường hợp liên quan đến đất đai đã không được giải quyết, lý do là chính quyền địa phương quá cứng nhắc trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, tại huyện Trảng Bom, một hộ có diện tích đất nông nghiệp sau phần giải tỏa còn quá ít, không thể cấp phép xây dựng nhà mới; trong khi diện tích thu hồi lại không đủ để xét tái định cư. Đây là đất nông nghiệp, chủ hộ là vợ chồng làm công nhân, không thuê người làm mà tranh thủ ngoài giờ mới tăng gia, sản xuất thêm. Xét theo quy định thì địa phương làm đúng, song về tình thì trường hợp này lại quá thiệt thòi cho dân vì họ đi không được, ở cũng không xong. Trước tình thế đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trảng Bom phải linh động, tìm cách tháo gỡ cho dân.
Tạ Nguyên