Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Những công trình chậm tiến độ

09:05, 06/05/2012

Trong thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án (DA) giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ thi công rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống người dân.

Trong thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án (DA) giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ thi công rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống người dân.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 16 ngàn tỷ đồng sẽ được xây dựng theo quy mô loại A, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/giờ với 6 làn xe chạy; phần nối từ Phú Mỹ ra quốc lộ (QL) 51 là đường cấp II đồng bằng. Dự kiến, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công vào cuối tháng 8 tới, ngay sau khi QL51 hoàn thành.

Cầu La Ngà chỉ chịu tải 25 tấn, nếu xe vận chuyển bauxite đi qua buộc phải gia cố, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì!
Cầu La Ngà chỉ chịu tải 25 tấn, nếu xe vận chuyển bauxite đi qua buộc phải gia cố, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì!

DA đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ kết nối TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với các cảng biển nước sâu. Do đó, tuyến đường này sẽ là cơ hội thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hiệu quả. Song không ít ý kiến lo ngại rằng, từ chủ trương đến hiện thực là cả quá trình phấn đấu mới có thể hoàn tất. Nói cách khác, nếu như thiếu sự quyết tâm cao thì DA này cũng sẽ giống như những công trình khác đang xây dựng, theo kiểu rất… ì ạch.

* Quốc lộ 20: khởi công xong… để đó

Một trong những công trình khởi công xong… để đó, phải kể đến DA nâng cấp, mở rộng QL20. Đây là tuyến đường huyết mạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở Đồng Nai và Lâm Đồng. Qua hơn 30 năm khai thác sử dụng, cung đường này hiện đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông, làm ảnh hưởng đến sự tăng tốc của các địa phương trong khu vực. Vào giai đoạn phát triển ngành công nghiệp nhôm, khi chưa có cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận), QL20 sẽ được tận dụng để vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về đường tỉnh 769 (ngã tư Dầu Giây ra QL51) đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai). QL20 có điểm đầu giao với QL1A tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tại km 268, giao với QL27 tại km 220, thị trấn Đran, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). DA nâng cấp QL20 được khởi công ngày 23-12-2011, tuy nhiên đến nay, đoạn qua địa phận Đồng Nai vẫn chưa thấy…  rục rịch gì! Trong khi đó, kế hoạch khai thác quặng nhôm và vận chuyển bauxite bắt đầu từ tháng 6 năm nay, thời điểm đã cận kề, song các đơn vị thi công tuyến quốc lộ này hiện phải… ngồi chơi vì không có vốn đầu tư.

Quốc lộ 51 hiện vẫn còn nhiều khu vực chưa thi công, gây khó khăn cho việc đi lại.  Ảnh: T. NGUYÊN
Quốc lộ 51 hiện vẫn còn nhiều khu vực chưa thi công, gây khó khăn cho việc đi lại. Ảnh: T. NGUYÊN

Ngay cả việc sửa chữa tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng), tuyến đường vận chuyển bauxite từ Nhà máy Tân Rai đến km123 QL20 đến ngày 15-4 vừa qua cũng phải tạm ngưng vì chủ đầu tư không thể tiếp tục ứng tiền mua nhiên liệu chạy máy; kể cả lương công nhân nhiều tháng qua cũng bị gác lại.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu được triển khai sớm, sẽ góp phần đẩy nhanh sự ra đời của sân bay quốc tế Long Thành. Với vai trò là cửa ngõ phía Đông của TP. Hồ Chí Minh, DA  xây dựng sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 58 tỷ USD, được hình thành để giảm áp lực vận tải của sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời cải thiện đáng kể giao thông trong khu vực bởi những đường kết nối hợp lý từ sân bay với những tuyến đường trọng điểm. Mặt khác, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ…

 

Dự kiến, DA cải tạo, nâng cấp QL20 hoàn thành vào năm 2014, nhưng nhiều người nhận định, công trình khó có thể thực hiện đúng lịch trình, bởi khi triển khai xây dựng sẽ phải giải tỏa 263 hécta mặt bằng, trong đó đất thổ cư 31 hécta, còn lại là đất nông nghiệp và đất rừng - điều rất khó thực hiện trong tất cả các DA xây dựng thời gian qua.

* Quốc lộ 51: công trình kéo dài

QL51 dài 85,6 km, nối từ TP. Biên Hòa đến TX. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là đường huyết mạch nối Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác, đồng thời đi ngang qua các khu công nghiệp và cảng biển quan trọng trên địa bàn. Chính vì vậy, DA nâng cấp, mở rộng QL51 được dư luận xã hội rất quan tâm, vì một khi hoàn tất, sẽ giải quyết đáng kể tình trạng ách tắc giao thông trên cung đường vốn từ lâu đã trở nên quá tải.

DA này đã khởi công vào ngày 2-8-2009 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 2-2012 với quy mô từ bốn làn xe, được mở rộng lên sáu làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp; riêng đoạn qua thị trấn Long Thành mở rộng gần 40m, cho phép xe lưu thông 80 km/giờ. Trên tuyến đường còn xây dựng, mở rộng 21 cầu và 12 cầu vượt bộ hành tại các khu vực đông dân cư… Tuy nhiên, DA đến nay đã quá thời hạn hơn 2 tháng nhưng khả năng còn kéo dài hơn nữa là điều khó tránh khỏi. Vì dù đã hoàn thành 98% phần việc, nhưng trên toàn tuyến hiện còn khá nhiều “lô cốt” được bao bọc khá kỹ, khiến các phương tiện đi lại gặp khó khăn. Một số hộ dân tại những nơi này cho biết, việc thi công thời gian qua diễn ra cầm chừng, không ít thời điểm, máy móc “được xả hơi” nhiều ngày, còn công nhân thì thi công theo kiểu vừa làm vừa chơi.

Mục đích của việc nâng cấp, mở rộng QL20 là nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn. Nhưng căn cứ vào lưu lượng xe lưu hành trên QL20 hiện nay, nhiều người không khỏi giật mình. Chẳng hạn, tại ngã tư Dầu Giây trong năm 2011, bình quân có gần 22 ngàn lượt xe/ngày đêm, dự báo đến 2015 khoảng trên 31 ngàn lượt xe/ngày đêm. Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) cho biết, xe chuyên chở bauxite trên tuyến đường này chỉ chiếm 12,8-15,2% (khoảng 780 xe/ngày đêm). Tuy nhiên, loại xe vận chuyển bauxite chủ yếu là xe chuyên dùng 40 tấn. Điều này cho thấy, nếu không nhanh chóng triển khai thi công thì QL20 sẽ là một cung đường đầy rẫy những hiểm nguy chực chờ đối với người đi đường. Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Điệp tỏ ra lo ngại, nếu đường chưa được nâng cấp dù vận chuyển bauxite bằng xe đúng tải trọng cho phép của QL20, đường tỉnh 769 thì cũng không ổn, bởi “đoàn quân” này sẽ gia tăng số lượng xe cho đúng phương án chuyên chở của xe 40 tấn thì QL20 và đường tỉnh 769 tiếp tục quá tải…

 

Thực tế, với tốc độ phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc tuyến QL51 thời gian qua tại các địa bàn: Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai); Mỹ Xuân, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng cụm cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải đã khiến mật độ xe lưu thông trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng cao, vượt quá khả năng đáp ứng của QL51. Hiện tại, với lưu lượng khoảng hơn 40 ngàn xe/ngày trên QL51, kể cả những đoạn đã hoàn thành cũng dường như trở nên chật hẹp, huống gì đến những khu vực còn dang dở! Chính vì vậy, nếu như QL51 hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn. Nhưng do kéo dài thi công nên mục tiêu giảm ùn tắc giao thông coi như chưa hoàn thành. Hiện tại, vào những giờ cao điểm, hoặc dịp lễ, QL51 chật cứng với hàng đoàn xe nối đuôi nhau…

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông. Hầu như các chuyên gia trên lĩnh vực này đều phân tích, hạ tầng giao thông chính là mạch máu đảm bảo sự phát triển lâu dài của khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, chậm trễ nâng cấp, mở rộng đường sá, sẽ làm trì trệ đến tiến độ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích