Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần chính sách ưu đãi

08:05, 27/05/2012

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh ban hành từ năm 2007. Song đến nay, CNHT vẫn chưa phát triển như mong đợi.

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh ban hành từ năm 2007. Song đến nay, CNHT vẫn chưa phát triển như mong đợi.

Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai - quyết sách lớn cho phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày 22-5 vừa qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và các nhà hoạch định chính sách đã cùng bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng, giải pháp phát triển CNHT trên địa bàn Đồng Nai.

* Rộng nhưng chưa sâu

Đồng Nai đang là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng khá lớn trong GDP hàng năm (chiếm trên 57%). CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của công nghiệp sản xuất lắp ráp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, những năm qua, Đồng Nai chỉ có 3 ngành công nghiệp chủ yếu có khả năng thúc đẩy và kéo theo các ngành CNHT phát triển, đó là: cơ khí, điện - điện tử và dệt may - giày dép.

Nhiều nguyên phụ liệu may mặc hiện vẫn phải nhập khẩu vì CNHT ngành may mặc trong nước chưa đáp ứng đầy đủ. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần may Đồng Nai trên dây chuyền sản xuất.
Nhiều nguyên phụ liệu may mặc hiện vẫn phải nhập khẩu vì CNHT ngành may mặc trong nước chưa đáp ứng đầy đủ. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần may Đồng Nai trên dây chuyền sản xuất.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương,  thời gian qua, CNHT Đồng Nai đã có bước phát triển khá với gần 600 DN hoạt động trong ngành, cung cấp linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện điện tử, nhựa, cao su, hóa chất… cho các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử và dệt may, giày dép. Năm 2011, ngành CNHT đã đóng góp cho xuất khẩu trên 3,1 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Sự phát triển của CNHT bước đầu hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo điều kiện cho các DN từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, quy mô các ngành CNHT như trên vẫn còn nhỏ và mỏng, sản phẩm đơn điệu; các DN trong nước tham gia sản xuất CNHT còn rất hạn chế; sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, chủ yếu chỉ mới dừng ở bước gia công, lắp ráp.

Mặt khác, phần lớn ngành CNHT của Đồng Nai là do các nhà cung ứng linh kiện Nhật Bản, tiếp theo là các DN Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư, chỉ có phần nhỏ là của các DN trong nước. Nguyên nhân nằm ở chỗ, DN đầu tư và DN sử dụng sản phẩm chưa liên kết được với nhau, do đó chưa mạnh dạn đầu tư vào CNHT.

* Phải có ưu đãi cụ thể

Tại hội thảo, định hướng phát triển ngành CNHT cũng được đưa ra. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, CNHT sẽ trở thành một ngành thế mạnh của Đồng Nai. Cụ thể hơn, giá trị sản xuất của ngành CNHT được định hướng tăng từ mức 35,2 ngàn tỷ đồng trong năm 2010 lên mức 198 ngàn tỷ đồng vào năm 2020.

Một doanh nghiệp  quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ  tại KCN Hố Nai.                                                  Ảnh: V. Lâm
Một doanh nghiệp quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại KCN Hố Nai. Ảnh: V. Lâm

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh sẽ tập trung phát triển 3 nhóm CNHT chủ lực, gồm: sản xuất chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử và dệt may - da giày với mục tiêu, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ trở thành địa phương có thế mạnh về phát triển CNHT so với cả nước.

Ông Takanori Yamashita - Tổng giám đốc Công ty sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam: Ba điểm yếu cần khắc phục

Có 3 lý do khiến CNHT chưa phát triển mạnh tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Thứ nhất, độ tin cậy của nhà cung cấp chưa cao, về cả chất lượng, giá cả lẫn sự phong phú chủng loại. Điều này làm các DN khi đầu tư vào ngành CNHT gặp khó khăn vì phải đầu tư luôn một tập hợp các nhà cung cấp cho mình, song điều này không dễ, do đó, họ chọn cách nhập khẩu. Thứ hai, hạ tầng cung ứng cho DN khi tham gia vào CNHT chưa tốt, thiếu thốn và đắt đỏ. Điều này sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên nhiều, DN không dám đầu tư. Thứ ba, sự phức tạp về thủ tục giấy tờ cũng khiến nhiều DN ngán ngại khi dự định đầu tư. Theo đó, các quy định luôn thay đổi, mỗi nơi mỗi khác khiến nhiều DN mệt mỏi. DN cần các thủ tục thống nhất, đơn giản và có tính ổn định để đầu tư lâu dài.

K.N

Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển CNHT, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương, nhận định: để phát triển CNHT, Đồng Nai phải tạo được cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi về vốn, thuế, đất đai cho nhà đầu tư.

Ở góc độ này, ý kiến nhiều chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng: cùng với việc hình thành nhanh các khu, cụm CNHT phải đi kèm các chính sách khuyến khích. Cụ thể, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước - địa phương - nhà đầu tư - đơn vị kinh doanh hạ tầng nhằm hỗ trợ DN ở mức cao nhất, hỗ trợ cho vay vốn đầu tư phát triển, miễn giảm tiền thuê đất… nhằm giảm tối đa chi phí đầu tư của DN khi tham gia CNHT. Mặt khác, cần phải có cách hỗ trợ tín dụng thiết thực nhằm cấp vốn hoặc bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ - đối tượng DN chủ yếu sẽ đầu tư vào CNHT -  vì đối tượng này thường hay bị ngân hàng từ chối cho vay vì không có tài sản thế chấp. Mặt khác, phải tổ chức thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, chuyên môn và quản lý rất cần thiết cho DN khi tham gia vào CNHT, xây dựng các trung tâm đào tạo kinh doanh và công nghệ, các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN tham gia trong ngành…

Vi Lâm

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích