Từ ngày 25-5-2012, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện tại, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này đang ở dạng dự thảo và vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến thêm.
Từ ngày 25-5-2012, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện tại, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này đang ở dạng dự thảo và vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến thêm. Trong khi đó, giới kinh doanh vàng đang nghe ngóng, tìm hướng đi phù hợp sau khi hoạt động kinh doanh vàng miếng - vốn chiếm phần lớn lợi nhuận - sẽ chấm dứt cùng thời gian nghị định có hiệu lực.
Nhiều tiệm vàng cho rằng, nếu chuẩn hóa được thị trường nữ trang thì đây là một hướng kinh doanh tốt sau khi chấm dứt việc kinh doanh vàng miếng. Ảnh: V. LÂM |
Nhìn chung, nghị định này sẽ tạo nên những thay đổi lớn về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có 2 mặt hàng quan trọng là vàng miếng và vàng trang sức. Nghị định 24 ra đời với mục đích loại vàng miếng ra khỏi chức năng thanh toán, mặt khác, chống “vàng hóa” nền kinh tế. Đồng thời thông qua hệ thống ngân hàng, Chính phủ hy vọng một lượng vàng dự trữ được đánh giá là rất lớn trong “túi” người dân sẽ được khai thông, phục vụ tốt cho nền kinh tế.
* Nhiều thay đổi lớn
Theo đó, để được cấp phép kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 thì các tiệm vàng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh mua bán từ 2 năm trở lên, số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, điểm bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Thực tế, với những quy định chặt chẽ như vậy sẽ có rất ít tiệm vàng đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Theo đó, về kinh nghiệm, các tiệm vàng có thể đạt điều kiện nhưng về vốn điều lệ, cơ sở vật chất, số thuế đã nộp, đặc biệt về mạng lưới kinh doanh vàng ở 3 tỉnh, thành phố… sẽ rất ít đơn vị đạt được. Mặt khác, Nghị định 24 không chỉ siết chặt thị trường vàng miếng mà còn tạo một bước ngoặt mới cho ngành vàng nữ trang, để phát triển theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghị định 24 nêu rõ, các doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải niêm yết giá mua - giá bán đầy đủ, công khai chất lượng cũng như hàm lượng vàng. Và doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mình bán ra.
Điều này được nhận định sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường vàng nữ trang và hạn chế tình trạng lập lờ tuổi vàng vốn đã tồn tại và gây nhiều thiệt hại cho người dân nhiều năm qua.
Không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, theo Nghị định 24, doanh nghiệp sản xuất nữ trang vàng cũng sẽ được cấp quota nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, thay vì phải mua nguyên liệu trong nước với giá cao để chế tác thành nữ trang, tăng thêm sức cạnh tranh cho DN.
* Tiệm vàng chờ hướng dẫn
Với nhiều quy định chặt chẽ đồng thời đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, đa số các tiệm vàng sắp tới sẽ khó lòng tiếp tục kinh doanh mặt hàng này mà chỉ được kinh doanh vàng nữ trang nếu không muốn đóng cửa. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn đến giới kinh doanh vàng.
Chưa có hướng dẫn về cấp giấy phép kinh doanh vàng Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho biết hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng lẫn vàng nữ trang cho các cửa hàng vàng bạc trên địa bàn Đồng Nai. Theo đó, NHNN vẫn đang lấy thêm ý kiến để hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn cho hoạt động này. Theo nghị định mới thì sắp tới, sau một thời gian dài ngắt quãng, hoạt động kinh doanh này sẽ lại được bàn giao cho NHNN quản lý, bao gồm cả việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nữ trang, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành nghiêm quy định và chất lượng hoạt động của các cửa hàng… Vì vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn, do đó hiện NHNN chi nhánh Đồng Nai chưa có thống kê cụ thể về số lượng cửa hàng vàng sẽ phải làm thủ tục để cấp giấy phép hoạt động kinh doanh vàng trang sức. K.N |
Anh H.A, chủ một tiệm vàng khá lớn trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP. Biên Hòa), cho biết hiện tại doanh thu và lợi nhuận của các tiệm vàng chủ yếu đến từ vàng miếng vì nữ trang bán khá chậm, dù lãi từ tiền gia công khá hấp dẫn. Nguyên nhân một phần là do giá vàng cao, người dân ngại đeo nữ trang, song phần lớn là do chất lượng vàng dùng để chế tác nữ trang hiện đang bị thả nổi, chưa có chuẩn về chất lượng, dẫn đến mất lòng tin ở người dân. Anh H.A cho rằng, nếu đi kèm với nghị định mới là những quy định chặt chẽ nhằm quy chuẩn hóa thị trường nữ trang thì giới kinh doanh vàng bán lẻ sẽ tự tin hơn trong việc tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Hiện giới kinh doanh vàng ở Đồng Nai vẫn đang chờ những hướng dẫn cụ thể từ phía NHNN - cơ quan sẽ tiếp nhận việc quản lý kinh doanh mặt hàng này sắp tới, đặc biệt là các hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh vàng trang sức.
Chị Thảo, chủ một tiệm vàng ở khu vực Hố Nai (TP. Biên Hòa), nhận xét chưa thể đưa ra nhận định gì về phản ứng của người dân vì nghị định vẫn chưa có hiệu lực, mặt khác Chính phủ cho biết sẽ không hạn chế nhu cầu cất giữ vàng miếng của người dân. Hiện tại, hoạt động mua bán vàng miếng thương hiệu SJC vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, các loại vàng miếng thương hiệu khác vẫn đang bị tính giá thấp hơn vàng SJC, dù giá mua vào trước đây như nhau, gây thiệt hại cho người dân mặc dù Chính phủ khẳng định các loại vàng miếng khác không phải thương hiệu SJC vẫn lưu thông bình thường sau khi nghị định có hiệu lực.
Vi Lâm