Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ phẩm Việt với thị trường bình dân

08:05, 17/05/2012

Thị trường mỹ phẩm hiện nay rất đa dạng. Chỉ riêng hàng do Việt Nam sản xuất cũng đủ chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn, từ những thương hiệu lâu đời đến những nhãn hàng mới xuất hiện trên thị trường.

Thị trường mỹ phẩm hiện nay rất đa dạng. Chỉ riêng hàng do Việt Nam sản xuất cũng đủ chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn, từ những thương hiệu lâu đời đến những nhãn hàng mới xuất hiện trên thị trường.

Mỹ phẩm Việt đã khai thác khá tốt phân khúc thị trường bình dân ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Từ siêu thị, trung tâm thương mại đến cửa hàng nhỏ trong chợ truyền thống, người tiêu dùng đều dễ dàng tìm được những sản phẩm làm đẹp do doanh nghiệp Việt sản xuất.

* Sản phẩm ngày càng tốt hơn

Một thời gian khá dài, mỹ phẩm Việt đuối sức trong cuộc cạnh tranh giành thị phần bình dân với hàng Trung Quốc giá rẻ, loại nào cũng có, thì nay dần chiếm ưu thế. Người tiêu dùng đã e ngại hàng Trung Quốc không rõ xuất xứ, thiếu an toàn, độc hại nên tiểu thương cũng ưu tiên giới thiệu mỹ phẩm Việt dù nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có giá nhỉnh hơn hàng Trung Quốc.

Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo giới thiệu sản phẩm với khách ở Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011 tại Đồng Nai. Ảnh: B. Nguyên
Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo giới thiệu sản phẩm với khách ở Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011 tại Đồng Nai. Ảnh: B. Nguyên

Bà Nguyễn Thị Mạnh, chủ shop mỹ phẩm Ánh Vân trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Biên Hòa cho biết, hiện mỹ phẩm Việt có nhiều nhãn hàng uy tín mà người bán có thể giới thiệu với khách. Không ít thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Hàng Việt cũng ngày càng đa dạng, từ mỹ phẩm đến sản phẩm chăm sóc tóc, sản phẩm chăm sóc toàn thân, nước hoa… So với hàng ngoại, hàng liên doanh, mỹ phẩm Việt có ưu thế hơn về giá, đáp ứng tốt phân khúc thị trường bình dân. 

Bà Trần Kim Chi, đại diện Công ty TNHH mỹ phẩm Vạn Phúc (TP. Hồ Chí Minh), chuyên cung cấp các loại sản phẩm chăm sóc tóc, sữa tắm, nước hoa nhãn hàng Glorin, khẳng định thị trường chính của doanh nghiệp vẫn là phân khúc bình dân, khu vực nông thôn. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ rất mạnh tại các tỉnh miền Tây. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc tiếp thị, mở rộng thị trường từ thành thị đến nông thôn tại nhiều tỉnh, thành trong nước thông qua các chương trình hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. 

* Thế mạnh cạnh tranh

Để cạnh tranh được trên thị trường, nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt đã biết khai thác  thế mạnh của mình, được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Cụ thể, sản phẩm Thorakao có thế mạnh về dòng hàng sữa rửa mặt, mặt nạ chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, như: nghệ, gấc, dưa leo, nha đam… Nhãn hàng Lana có thế mạnh về nước tẩy trang, mặt nạ dưỡng da...

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu Việt không ngừng tung ra sản phẩm mới, đa dạng mặt hàng để người tiêu dùng lựa chọn, từ kem dưỡng, kem trang điểm, kem chống nắng đến hàng loạt sản phẩm chăm sóc da toàn thân, chăm sóc tóc... Hàng Việt cũng đã có những dòng sản phẩm góp phần vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Trong đó, nhiều sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, như: sữa tắm, mặt nạ bùn, chất chăm sóc da chiết xuất từ rong biển… nhiều mặt hàng giá nhỉnh hơn hàng liên doanh nhưng người mua vẫn chấp nhận.

Theo bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc siêu thị Co.opMart Biên Hòa, mỹ phẩm Việt ngày càng có những thay đổi tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường cả về hình thức và chất lượng sản phẩm. Cái nhìn về mỹ phẩm Việt chất lượng không ổn định đã dần thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt trong ngành hàng này cần đầu tư hơn cho việc xây dựng thương hiệu.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích