Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Khơi thông nguồn vốn

09:05, 25/05/2012

Một trong những vấn đề đau đầu nhất hiện nay là với “sức khỏe” èo uột của rất nhiều doanh nghiệp (DN) dẫn đến không còn khả năng hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng DN vẫn có nhu cầu vốn nhưng không thể “chạm tay” tới các gói vay rẻ.

Một trong những vấn đề đau đầu nhất hiện nay là với “sức khỏe” èo uột của rất nhiều doanh nghiệp (DN) dẫn đến không còn khả năng hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng DN vẫn có nhu cầu vốn nhưng không thể “chạm tay” tới các gói vay rẻ.

Tăng trưởng tín dụng cả nước trong 4 tháng đầu năm vẫn loay hoay ở con số âm 0,66% so với cuối năm 2011. Tại Đồng Nai - địa bàn có hoạt động sản xuất - kinh doanh sôi nổi gần nhất nước, tín dụng 4 tháng qua cũng tăng chậm chưa từng thấy: chỉ hơn 3%.

* Khả năng hấp thụ vốn?

Tại nhiều ngân hàng (NH) như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV..., mức lãi suất dưới 15%/năm không phải là quá ít. Thậm chí, như phát biểu của ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank trên một số phương tiện truyền thông vừa qua, NH này thậm chí chỉ cho vay 12%/năm đối với một số khách hàng. Song, đánh giá của nhiều NH vẫn cho thấy, khi “sức khỏe” DN đã suy yếu nặng thì lãi suất không còn là vấn đề “nóng” như trước nữa, mà là khả năng hấp thụ vốn của DN đang dần cạn kiệt, dù vốn vẫn dư thừa ở các NH.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV Đồng Nai.                                                                                                              Ảnh: V. Nam
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV Đồng Nai. Ảnh: V. Nam

Tuy nhiên, không thể loại trừ tình trạng các DN, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa, tuy đang có lợi nhuận và vẫn đang tìm cách xoay trở làm ăn, nhưng việc tiếp cận vốn rẻ vẫn không hề dễ. Anh Nguyễn Tấn Phú, Giám đốc Công ty Thế giới dinh dưỡng  -  Nutriworld (huyện Thống Nhất) cho biết, trước đây DN của anh không phải sử dụng vốn vay từ ngân hàng. Mới đây, khi có nhu cầu vay vốn để bổ sung cho vốn lưu động, anh đã đến một NH thương mại vay. Các thủ tục vay vốn khó khăn hơn nhiều so với anh nghĩ. Anh phải chứng minh 3 năm liền DN làm ăn có lãi; chứng minh lợi nhuận hàng tháng hiện nay; các hợp đồng bán hàng và rất nhiều những thủ tục khác đi kèm. Anh Phú cho rằng, thời điểm hiện tại DN hoạt động chủ yếu là hòa vốn, để có được lãi không phải dễ dàng chút nào. Vay theo dạng dự án của DN không thành, anh đành phải đưa chủ quyền đất đi thế chấp vay theo hộ gia đình với lãi suất  16,8%/năm.

Anh Bùi Quang Tuyến, chủ một DN chế biến dăm gỗ ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa cũng cho rằng với DN nhỏ rất khó vay vốn lãi suất thấp 15%/năm. Hiện tại, DN đang vay số vốn hơn 2 tỷ đồng của một NH với lãi suất là 17%/năm.

Chủ một DN chế biến gỗ ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa còn nói thẳng, thực tế DN chấp nhận vay vốn với lãi suất khoảng 17%/năm, lúc cần nhanh còn phải có “phí ngoài”, tính ra tới 18%. Do đó, chuyện vay vốn được với lãi suất thấp, các DN nhỏ gần như “không ai dám nghĩ đến”. “DN nhỏ thì đừng nghĩ tới chuyện vay được nguồn vốn lãi suất 15%/năm vì hồ sơ không thể chuyên nghiệp như các công ty lớn; lượng tiền vay lại ít nên kiểu gì khi phía NH xem xét cũng không đạt. Đó là chưa kể nếu rơi vào diện nợ bị nhắc nhở thì… khỏi vay” - chủ DN này nói.

* Để khơi thông nguồn vốn

Một số lãnh đạo chi nhánh NH tại Đồng Nai cho biết, đối phó với việc ứ vốn, bản thân NH cũng đang bươn bả tìm khách - nhưng dĩ nhiên phải là “khách tốt”. Điều này dẫn đến tình trạng một DN có “sức khỏe” tốt thì nhiều NH vây quanh, còn DN nào hơi “ho hen” một chút thì NH nào cũng từ chối để giữ vững túi tiền. Vậy, cần có cách để giải quyết, khi DN nhỏ và vừa vốn chiếm hơn 90% tổng số DN hiện nay.

Tại diễn đàn kinh doanh thường niên năm 2012 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, khi nêu lên một số kết quả từ cuộc khảo sát của Ngân hàng ACB đối với một loạt DN vừa và nhỏ, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH ACB cho rằng, đúng là đang tồn tại nhiều vấn đề khi bên cần vốn không tiếp cận được, còn bên muốn cho vay lại không thể cho vay. Theo kết quả này, 30 - 35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn NH, 30% cho rằng khó tiếp cận, 30% không hề tiếp cận được.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho rằng: ”Thiết kế các sản phẩm cho vay thông minh, linh hoạt theo nhu cầu thực tế sẽ giúp ngân hàng không bị ế vốn, giảm lợi nhuận. Chẳng hạn, không nhất thiết phải là thế chấp tài sản, ngân hàng có thể nhận thế chấp hàng tồn kho, hợp đồng hay dựa trên đánh giá - bảo lãnh từ các đối tác uy tín của doanh nghiệp để cho vay”.

 

Lý do chính khiến DN không tiếp cận được vốn là do: không có khả năng tiếp cận, thủ tục khó khăn, rườm rà. Điều này xuất phát từ cả phía DN, NH và chính sách tín dụng, trong đó chủ yếu là quan hệ giữa DN và NH. Về phía DN, ông Hải cho rằng rất nhiều DN thiếu sự minh bạch về thông tin tài chính, không cung cấp thông tin trung thực. Mặt khác, không có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, cách quản lý tùy tiện mang tính gia đình, kinh doanh theo ngẫu hứng và cơ hội. Điều này lý giải tại sao nhiều DN quy mô nhỏ nhưng kinh doanh đầu tư “đủ thứ”, trong khi không chăm chút ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Đối với các NH, thì điểm yếu nằm ở chỗ nhân viên không đủ kỹ năng, hành xử máy móc, áp dụng một “bộ” tiêu chuẩn cho mọi quy mô DN từ nhỏ đến lớn, thiếu uyển chuyển khi tư duy một cách máy móc rằng DN lớn luôn tốt hơn DN nhỏ.

Mặt khác, để đồng vốn được khơi thông, nhất là ở một thị trường nhiều DN nhỏ với cung cách làm ăn đặc thù, NH nên có những gói sản phẩm linh hoạt cho từng đối tượng, để vốn vẫn đến được với những DN quy mô nhỏ nhưng làm ăn tốt.

Vân Nam - Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều